Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đang từng bước tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn tại tỉnh Thái Nguyên, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện.
Với trên 200 làng nghề chè truyền thống, tạo nên hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như: Chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên), chè La Bằng (Đại Từ), chè hữu cơ Sông Cầu, làng nghề chè Vô Tranh - Tức Tranh (Phú Lương)… Có tới 70 - 80% sản lượng được tiêu thụ trong nước, 20 - 30% sản lượng chè chế biến xuất khẩu. Do đó, việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã tạo cơ hội cho người dân địa phương có việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng thành công Chương trình nông thôn mới (NTM) ở Thái Nguyên.
Giai đoạn 2019 – 2025, tỉnh thực hiện Đề án OCOP với kinh phí hơn 700 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hơn 70 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã hơn 60 tỷ đồng, vốn lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình trên 240 tỷ đồng và vốn xã hội hóa hơn 360 tỷ đồng... Năm 2019, năm đầu tiên Thái Nguyên có 25 sản phẩm nông nghiệp của 8 hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao. Đến nay, địa phương có gần 200 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP, tiêu biểu như: Chè Tân Cương, miến dong của HTX miến Việt Cường (huyện Đồng Hỷ), tương nếp Úc Kỳ (huyện Phú Bình), gạo Bao Thai Định Hóa...
Đáng nói, Chương trình OCOP giúp thúc đẩy nhanh quá trình liên kết, hợp tác giữa người nông dân và các HTX, doanh nghiệp. Từ đó, giá trị kinh tế của sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, thúc đẩy tăng doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt 3, 4 sao. Mặt khác, việc thực hiện Chương trình OCOP góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng...
Bên cạnh đó, phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trọng tâm là sản phẩm từ chè, lúa, gạo đặc sản, miến, hoa quả, thực phẩm và sản phẩm dịch vụ du lịch, xây dựng hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gian hàng OCOP.
Cùng với đó, các huyện, thành, thị trong tỉnh Thais Nguyên tăng cường phát triển loại hình siêu thị, cửa hàng phân phối sản phẩm cấp xã, huyện. Xây dựng ở mỗi huyện 1 mô hình điểm về phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm bằng việc lồng ghép đưa sản phẩm OCOP tham gia hội chợ, hoạt động triển lãm; tổ chức đánh giá, xếp hạng sơ bộ sản phẩm OCOP theo quy định...
Để triển khai chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, từ năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn cho chương trình giai đoạn 2019 - 2025 gần 700 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh là 17 tỷ đồng, 63 tỷ đồng từ ngân sách huyện, xã; kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác 246 tỷ đồng; vốn xã hội hóa trên 360 tỷ đồng...
Tỉnh cũng thực hiện cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng/sản phẩm cho các sản phẩm OCOP đạt 4 sao và hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm cho 13 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Các địa phương trong tỉnh ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ các dự án phát triển theo chuỗi giá trị, các chủ thể là hợp tác xã tham gia phát triển sản phẩm OCOP, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức các lớp tập huấn ngắn với sản phẩm thế mạnh của địa phương, hỗ trợ thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng dữ liệu sản phẩm, thực hiện OCOP truy xuất nguồn gốc, xây dựng mẫu cách thức thực hiện một sản phẩm hoàn chỉnh để đánh giá, xếp hạng.
Sau 2 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 76 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 23 sản phẩm 3 sao và 53 sản phẩm 4 sao. Trong số các sản phẩm OCOP 4 sao có 7 sản phẩm đã được lập hồ sơ đề nghị Trung ương xếp hạng 5 sao.
Trong chương trình OCOP, người dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài việc người dân là chủ thể cũng đã thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thúc đẩy nhanh quá trình liên kết, hợp tác giữa người nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp và phát triển các hợp tác xã.
Chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín từ các khâu nuôi, trồng - chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - đóng gói - quảng bá, xúc tiến thương mại - tiêu thụ sản phẩm. Quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu.
Các sản phẩm đa dạng về chủng loại và chất lượng sản phẩm, ngoài các sản phẩm về chè, hiện ở Thái Nguyên còn có nhiều sản phẩm OCOP được thị trường tiêu thụ mạnh như: gạo, na, tinh bột nghệ, cao ngựa bạch... Đặc biệt, giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP và việc xúc tiến thương mại. Doanh số bán hàng của các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao đều tăng so với trước.
Tỉnh chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia chu trình OCOP đăng ký ý tưởng sản phẩm mới và sản phẩm đã có với hệ thống quản lý chương trình OCOP cấp xã, huyện; thực hiện cơ chế khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm chế biến sâu, công nghệ cao, quy mô lớn, tính cộng đồng cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…/.