Giải trình về việc phát triển nóng các dự án điện năng lượng mặt trời tại địa phương, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai thông tin, hiện nay, tỉnh có trên 2.000 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 206MWp. Ngoài ra, có 2 dự án điện mặt trời công suất 84MWp đang vận hành và hàng chục dự án khác với tổng quy mô hơn 1.000 MWp đang trong quá trình triển khai. Theo tính toán của Bộ Công Thương, nhu cầu phụ tải điện từ nay tới năm 2025 tăng bình quân 8,5%/năm, do vậy, việc đẩy mạnh phát triển dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là cần thiết và tất yếu.

Đối với lo ngại về việc xử lý pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng, ông Binh cho rằng, pin năng lượng mặt trời được cấu tạo từ khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối; hiện chưa được tính là chất thải nguy hại. Trên thế giới, đã có những công ty xử lý tái chế những tấm thu năng lượng mặt trời. Vì thế khoảng 20 năm nữa, khi các tấm pin đồng loạt hết hạn, thì tin tưởng rằng công nghệ trong nước hoàn toàn xử lý được.

Theo ông Phạm Văn Binh, vấn đề nổi cộm hiện nay là làm sao kiểm soát các dự án núp bóng điện mặt trời áp mái để hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước

“Nhiều trang trại không có mái, nghe vấn đề mái năng lượng không thay được mái nhà thì họ lại áp mái, là áp mái tôn dưới mái năng lượng. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương để tham mưu UBND tỉnh và các sở ngành sẽ thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm”, ông Phạm Văn Binh cho hay./.