Đây là một trong những hoạt động của “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020” do Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức. Tại hội nghị, các Tham tán thương mại (thuộc Phòng Thương vụ, Đại sứ quán ở nước ngoài) đã chỉ ra tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp vào thị trường một số nước như Đức, Hàn Quốc...

Theo các Tham tán thương mại, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào thị trường Đức năm 2019 đạt 187 triệu USD; Hàn Quốc đạt 781 triệu USD. Đặc biệt, Hàn Quốc còn là thị trường nhập khẩu các mặt hàng rau quả của cả nước rất lớn, với hơn 130 triệu USD. Các mặt hàng rau quả, gạo xuất vào thị trường UAE gần đây cũng tăng mạnh. Những thị trường trên được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam khai thác.

Với thế mạnh về nông nghiệp, các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ có lợi thế và cơ hội rất lớn để tiếp cận các thị trường này.

Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại các tỉnh vùng ĐBSCL cho biết, sản lượng lúa gạo vùng ĐBSCL hàng năm đạt khoảng 24 triệu tấn, chiếm khoảng 80% cả nước; trái cây đạt khoảng 4,3 triệu tấn, chiếm 65%; thủy sản hơn 4 triệu tấn, trong đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như tôm chiếm tới 60% và cá tra chiếm tới 95% của cả nước.

“Về môi trường kinh doanh, kết quả chỉ số cạnh tranh của các tỉnh vùng ĐBSCL giai đoạn 2015 – 2019 luôn cao hơn bình quân của cả nước. Điều này cho thấy, chính quyền địa phương các tỉnh trong vùng đã có những nỗ lực trong nâng cao chất lượng, cải thiện chỉ số điều hành và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư đến đầu tư, tạo ra các sản phẩm chất lượng hơn”, bà Nguyễn Duy Linh Thảo nói.

Cơ hội thị trường rộng mở là vậy, tuy nhiên, các Tham tán thương mại cũng đã chỉ ra các rào cản, đó là đòi hỏi về xuất xứ, tiêu chuẩn rất cao đối với hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường này. Cùng với đó là sự khác biệt về văn hóa, cách ứng xử.../.