Thiếu công nghệ lõi

Thị trường giải pháp và thiết bị thông minh cho sản xuất nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam đã bước đầu hình thành, với sự tham gia của một số doanh nghiệp như Demeter, MimosaTEK, Infinity Blockchain Labs…

Thực tế, thiết bị công nghệ lõi như cảm biến (sensor) đo lường “sức khỏe” cây trồng và môi trường canh tác đều được nhập khẩu; giải pháp thông minh mà doanh nghiệp đưa ra chưa đồng bộ, chẳng hạn như giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem QR code.

4_0_iasd.jpg
Đầu tư cho nông nghiệp 4.0 là bài toán khó, bởi chi phí cho thiết bị thông minh không hề rẻ.

Thực tế tại Lâm Đồng - địa phương xác định phát triển nông nghiệp 4.0 là nội dung quan trọng của tái cơ cấu nông nghiệp, đầu tư thiết bị công nghệ 4.0 phục vụ sản xuất nông nghiệp không hề dễ dàng.

Toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 278.000 ha đất nông nghiệp, trong đó 54.000 ha được ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của Lâm Đồng đạt khoảng 170 triệu đồng/ha, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đạt giá trị từ 500 triệu - 2 tỷ đồng/ha.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được chứng minh là đem lại giá trị cao hơn hẳn, tuy nhiên để có bước chuyển từ nông nghiệp công nghệ cao sang nông nghiệp 4.0 lại là bài toán khó.

Ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Thiết bị phần cứng phục vụ nông nghiệp 4.0 của Việt Nam còn thua kém và rất hạn chế so với các quốc gia khác. (Ảnh: Hồng Quang)

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá, thiết bị phần cứng phục vụ nông nghiệp 4.0 của Việt Nam còn thua kém và rất hạn chế so với các quốc gia khác. Ngoài ra chi phí đầu tư thiết bị công nghệ cho nông nghiệp 4.0 không hề nhỏ.

Điểm cốt lõi của nông nghiệp 4.0 là kết nối cảm biến internet vạn vật (IoT). Tuy nhiên, chi phí đầu tư camera cảm biến tự động là 500 triệu đồng/chiếc, bằng 100 tấn lúa và phải sản xuất trong 2 vụ. Một ví dụ khác mà ông Phạm S đưa ra là Thái Lan hay Nhật Bản đã áp dụng thiết bị và robot thu hái cà phê và cây ăn quả, nhưng giá bán chừng 200.000 - 300.000 USD (khoảng 6 tỷ đồng), mức giá này bằng cả 1.200 tấn lúa.

Ở lĩnh vực chế biến bảo quản nông sản, theo đánh giá của Công ty CP Nafoods Group, hiện nay các công nghệ bảo quản, chế biến nông sản trong nước còn rất hạn chế. Đặc biệt, do công nghệ chế biến sâu ở Việt Nam còn hạn chế nên chưa tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Doanh nghiệp có thể xuất khẩu các loại trái cây tươi với số lượng lớn, chất lượng tốt nhưng không có công nghệ bảo quản phù hợp nên chỉ xuất đi được thị trường gần với lợi nhuận thấp, hoặc xuất đi thị trường xa với số lượng nhỏ và trong thời gian ngắn.

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến nông sản là rất cần thiết, vừa có thểtránh lặp lại tình trạng giải cứu lợn, giải cứu trái cây, vừa giúp bảo quản nông sản vài tháng hoặc hàng năm nếu không tiêu thụ hết ngay được. “Cả thế giới làm vậy, chứ làm sao ăn tươi được hết.”

TS Lưu Bích Hồ: Chỉ có áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 mới giúp tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng và giá trị cao. (Ảnh: Hồng Quang)

“Bản chất của tái cơ cấu nông nghiệp là chuyển dịch sản xuất từ mô hình cũ sang mô hình mới phù hợp với nhu cầu thị trường, nhằm đem lại năng suất, chất lượng và giá trị cao hơn. Để thực hiện được mục đích trên thì chỉ có cách áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, chứ không phải dựa vào vốn, lao động, bởi hai yếu tố này đã ‘cũ quá rồi’ và không giải quyết được vấn đề, ” TS Lưu Bích Hồ nói.

4.0 có quá sức cho nông nghiệp?

Tại hội nghị gần đây về sơ kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp khi giúp tạo thêm hơn 30% giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

“Không có khoa học công nghệ, không thể tăng năng suất lao động, không thể tạo ra những sản phẩm có tính đột phá,” Phó Thủ tướng nhận định. 

Bước vào giai đoạn phát triển mới, nông nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội phát triển, để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sản lượng, sức cạnh tranh của nông sản. Những tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra cơ hội rất lớn cho nông nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp thời gian tới cần tập trung phát triển nông nghiệp thông minh (4.0) và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh toàn cầu.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng công nghệ hiện nay, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại đối với phát triển nông nghiệp 4.0.

Dẫn chứng một bài viết của nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: "Công nghệ của Việt Nam chỉ loanh quanh ở mức 2.5, vậy ta làm 4.0 thì liệu có được không, với trình độ khoa học công nghệ hiện nay?"

Ông Bá lập luận, một người chỉ có khả năng vác được 50kg nhưng lại yêu cầu vác 100 kg, vậy liệu họ có vác nổi không? Từ câu chuyện trên, ông Bá đề nghị: "Cần xem lại việc làm nông nghiệp 4.0, phải lựa chọn những cái nào có thể làm được, đừng biến 4.0 thành phong trào."

Khoa học công nghệ liên quan mật thiết tới giáo dục và đào tạo, nhưng cả hai lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Do đó, cần phải đổi mới mạnh mẽ và đến nơi đến chốn cả hai lĩnh vực này nếu muốn làm 4.0, ông Bá nêu quan điểm.

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá: “Chúng ta đã không tiếp cận được các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, chúng ta đều phải nhập khẩu nhiều thiết bị máy móc và máy vi tính. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), đây là cơ hội tiềm năng cho ngành sản xuất của Việt Nam.”

Nếu Chính phủ không có đề án cụ thể để đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thiết bị thông minh phần cứng, thì trong cuộc CMCN 4.0 Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các thiết bị thông minh, trong đó có thiết bị cho nông nghiệp, ông Phạm S nêu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam sau 5 năm (2013-2017) đã có bước chuyển dịch đáng kể, từ sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém sang nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế, sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường.

Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh trong 5 năm qua, với mức tăng bình quân 6,67%/năm. Thu nhập và mức sống cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân hộ gia đình nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng/năm, gấp 1,71 lần so với năm 2012.

Trước các tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và biến động bất lợi của thị trường, ngành nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng ổn định 2,55%/năm. Quy mô và sức sản xuất của nông nghiệp được mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng nông sản, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới./.

Không làm nông nghiệp 4.0 kiểu phong trào

VOV.VN - Thực trạng phát triển nông nghiệp còn khoảng cách lớn với đòi hỏi của nông nghiệp 4.0, do đó phải có cách tiếp cận phù hợp với vùng miền, thị trường.