Sản xuất manh mún

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chỉ có một số ít doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông minh vào các khâu, công đoạn khác nhau của ngành nông nghiệp. Thực tế, việc ứng dụng các công nghệ này vẫn còn manh mún, tự phát.

4_0_gxif.jpeg
Việc áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, tự phát.

Thực trạng trên là do khoảng cách khá lớn giữa hiện trạng phát triển nông nghiệp của Việt Nam và những đòi hỏi của nông nghiệp 4.0. Đặc biệt, trình độ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản còn lạc hậu, dựa vào kinh nghiệm là chính. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa và máy móc còn ít. Đặc biệt, lĩnh vực chế biến nông sản còn tồn tại nhiều bất cập như quy mô chế biến chỉ vừa và nhỏ, chủ yếu xuất khẩu thô và hàm lượng chế biến thấp.

Phần lớn nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh đều thu hoạch, chế biến theo phương pháp thủ công, chưa áp dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến, thu hoạch. Dẫn tới tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam cao hơn so với các nước Đông Nam Á, cụ thể rau quả 32%, thịt 14% và thủy sản 12%.

Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa các chủ thể tham gia sản xuất cũng là nguyên nhân dẫn tới việc áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp còn manh mún.

Hiện vẫn còn thiếu liên kết bền vững giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, nông dân với hợp tác xã trong sản xuất tiêu thụ, đơn cử, diện tích gieo trồng lúa trong 12 tháng qua đạt 516.882 ha, trong đó chỉ 26,5% diện tích này được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất. Đối với diện tích trồng rau, tỷ lệ này là 10,8%.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể thế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: Hồng Quang)

Theo bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể thế kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phát triển ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh là thách thức lớn đối với người nông dân bởi họ rất lúng túng trong tiếp cận, sử dụng và đầu tư cho nông nghiệp thông minh.

Người làm nông nghiệp phải đối mặt một loạt khó khăn, điển hình là cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu thiếu đồng bộ, bà Luyến nêu.

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, giá cả nông sản bấp bênh, kết nối cung cầu và xây dựng thương hiệu còn nhiều hạn chế. Mặt khác, công tác dự báo sản xuất và dự báo thị trường lại còn nhiều hạn chế…

Không 4.0 hóa kiểuphong trào

PGS-TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Văn phòng Chính phủ đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp. Về cơ bản, Việt Nam có lợi thế về tài nguyên đất đai, dù phải hứng chịu nhiều thiên tai và biến đổi khí hậu, nhưng nếu so với Israel hay Nhật Bản thì Việt Nam vô cùng có tiềm năng lợi thế để phát triển nông nghiệp.

PGS-TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ (Ảnh: Hồng Quang)

Dư địa cho phát triển nông nghiệp rất lớn vì các tiềm năng chưa được khai thác hết. Sản phẩm nông nghiệp đa dạng và giàu tiềm năng xuất khẩu, nhưng lượng xuất khẩu đi các nước còn quá ít, mới lác đác vài loại trái cây.

Ông Sỹ nêu, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mang lại cơ hội và thách thức đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tại Việt Nam. Nếu không nắm bắt được cơ hội này, thì nông nghiệp Việt Nam càng bị tụt hậu.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là bài toán mấu chốt trong phát triển nông nghiệp. Ông Sỹ lập luận, nếu không tăng được năng suất lao động nói chung, đặc biệt là tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, thì trong 10 năm tới dù tăng trưởng GDP có đạt 7%/năm thì khó có thể nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người nông dân.

Bà Nguyễn Thị Luyến cho rằng, CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam nắm bắt công nghệ mới, thu hẹp khoảng cách. Tuy nhiên, không thể làm nông nghiệp 4.0 theo kiểu “dàn hàng ngang”, “chạy theo phong trào” mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp, sản phẩm phù hợp gắn với vùng miền và thị trường, bà Luyến kiến nghị.

Phát triển nông nghiệp 4.0 cần được ưu tiên ở các nơi có điều kiện, lấy doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hình thành các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững, an toàn và cạnh tranh, bà Luyến kiến nghị.

Ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Nếu cứ cách làm nông nghiệp manh mún như hiện nay, thì phát triển nông nghiệp hàng hóa còn khó chứ chưa nói đến 4.0, 5.0. Muốn làm được nông nghiệp 4.0 mà trước hết là nông nghiệp hàng hóa thì cần tích tụ ruộng đất để phục vụ sản xuất quy mô lớn./.