Ông Võ Văn Giáp, nhà vườn ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một trong những cá nhân đi đầu trong việc cơ giới hóa vào mô hình trồng cây ăn trái rất hiệu quả tại địa phương này. Với 1ha vườn trồng cây chanh thương phẩm, ông đầu tư mua 3 xe chuyên dụng phục vụ sản xuất gồm: 1 xe phun xịt thuốc, 1 xe cắt cỏ và 1 xe vận chuyển vật tư, phân bón và phục vụ thu hoạch. Chỉ mất hơn 100 triệu đồng mua 3 phương tiện chuyên dụng đã qua sử dụng, ông đã tiết kiệm đáng kể nhân lực, chi phí so với trước đây phải thuê mướn lao động chân tay.
“Hiện nay, mảnh vườn của tôi nếu tiền thuê mướn xịt thuốc khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, mùa mưa còn tăng lên khác nữa. Máy này nó xịt lời được 2,5 triệu đồng tiền thuốc. Nếu xịt tay 2.000 lít nước thì máy xịt có 1.500 lít, giảm liều lượng lại, giảm thuốc lại mà rất nhanh. Phát cỏ thì máy thổi luôn vô gốc, làm hữu cơ cho cây luôn” - ông Võ Văn Giáp chia sẻ.
Mô hình ứng dụng cơ giới vào trồng cây ăn trái của ông Võ Văn Giáp đã được nhiều nhà vườn khác tham quan, đánh giá rất cao và đầu tư vào sản xuất để giải phóng sức lao động.
Còn ông Bùi Hữu Thiện, ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, cũng như nhiều nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười này từ lâu không phải vất vả khi trồng cây khóm thương phẩm. Bởi các công đoạn như xịt thuốc, tưới cây đều đã tự động hóa bằng cơ giới. Các nông dân địa phương đầu tư động cơ lắp đặt dưới các chiếc xuồng mi ni và các thiết bị vòi phun thả dưới kênh, mương. Khi động cơ hoạt động, chiếc xuồng tự di chuyển để phun tưới mà không phải mất nhiều công sức tưới thủ công như trước đây.
Ông Bùi Hữu Thiện cho biết, gia đình ông trồng gần 20 ha khóm (dứa) trang trại rất vất vả nhất là khâu tưới nước vào mùa khô. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa vào công đoạn này đã giúp nông dân giảm chi phí, nhân công mà cây phát triển tốt. Đặc biệt trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, một tuần chỉ cần ra đồng 1-2 lần là có thể làm tốt các khâu chăm sóc trang trại khóm.
“Trồng cây khóm trước tiên là làm đất, tôi xới đất sử dụng máy xới. Sau đó, tới giai đoạn tưới phân hay xịt thuốc cũng sử dụng máy hết. Tưới thì cũng hiệu quả chỉ cần một người thôi. Bây giờ dịch bệnh, giãn cách thì rất phù hợp, không tụ tập đông người, tiết kiệm nhân công” - ông Bùi Hữu Thiện nói.
Chính nhờ việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mà nông dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng được diện tích cây khóm gần 15.000 ha, đạt năng suất khoảng 30 tấn/ha, dẫn đầu diện tích trong cả nước.
Tại vùng trồng trên 10.000 ha cây sầu riêng chuyên canh của huyện Cai Lậy, Cái Bè và Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhà vườn đã ứng dụng mạnh mẽ cơ giới hóa vào việc chăm sóc vườn cây. Các công đoạn như bơm nước ra vào vườn cây, tưới cây thậm chí phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây đều được cơ giới hóa 100%.
Hầu hết các vườn cây đều có lắp đặt các máy bơm điện và hệ thống ống dẫn nước, vòi phun tự động. Nhà vườn chỉ cần bật cầu dao đóng điện là vườn cây được tưới nước đủ đầy.
Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết nhờ ứng dụng cơ giới hóa đã tiết kiệm nhân công lao động. Ở thời điểm này, việc chăm sóc vườn cây theo phương châm giãn cách bà con vẫn thực hiện nghiêm túc, vườn sầu riêng vẫn xanh tốt.
“Cây sầu riêng lúc đang đang ra bông, nông dân ra vườn bình thường. Cơ giới hóa thì nhà vườn tưới bằng máy móc hết. Xịt thuốc thì có người sử dụng máy phun trên ngọn cây, cầm tay phun theo bán tự động. Nói chung bây giờ cơ giới hóa hết, phòng chống dịch nông dân tại chỗ vẫn ra vườn, không có gì nguy hiểm” - ông Đặng Văn Lâm cho biết.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, do hiệu quả đạt được trên nhiều mặt nên chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được nông dân địa phương thực hiện tích cực, từ khâu làm đất, gieo sạ, phun tưới nước, bón phân, thu hoạch và sau thu hoạch từng bước được máy móc làm thay con người.
Đặc biệt trong sản xuất lúa, 100% diện tích đã được cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch, sấy lúa. Mô hình máy cuốn rơm, máy phun giống và máy cấy lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân dạng lỏng bằng bình phun có động cơ chiếm từ 70%- 100% diện tích. Đối với sản xuất cây ăn trái việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm hơn 84%, bơm tát bằng động cơ chiếm 98%, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy chiếm gần 100% và ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, kết hợp bón phân chiếm 20%.
Nhờ việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mà ở thời điểm này dù dịch bệnh bùng phát nhưng nông dân tỉnh Tiền Giang vẫn chăm sóc chu đáo hơn 80.000 ha vườn cây ăn quả, hơn 50.000 ha lúa Hè Thu vẫn thu hoạch bình thường, đàn gia cầm, gia súc, thủy sản vẫn duy trì và phát triển ổn định.
Đặc biệt, máy móc làm thay con người nên nông dân tỉnh Tiền Giang thực hiện đúng các quy định về giãn cách xã hội, không tập trung đông người nhưng vẫn đảm bảo sản xuất ổn định, năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi vẫn đảm bảo, nguồn cung dồi dào./.