Sau hơn 4 tháng trồng, chăm sóc hơn 15 ha ớt cay cao sản của 500 hộ nông dân xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa đã đến kỳ thu hoạch; năng suất bình quân đạt từ 15 - 20 tấn quả/ha. Với giá bán tại ruộng là 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người trồng vẫn lãi cao.

ot2_laza.jpg
Sau khi trừ chi phí, nông dân Thái Hòa thu 7 triệu đồng/sào ớt cao sản, tính ra 1 ha đạt gần 150 triệu đồng/sào. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Dự án trồng ớt cao sản được HTX Nông nghiệp xã Nghĩa Thuận triển khai cho các hộ nông dân trồng. Đến nay, sau hơn 4 tháng cây ớt đã chín rộ, vào vụ thu hoạch đại trà. Năng suất bình quân đạt từ 1,5 - 2 tấn/sào, giá 1 kg ớt cao sản hiện được thương lái thu mua tại ruộng thấp nhất 7.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí người trồng thu về từ 7 triệu đồng/sào.
Theo ông Cao Văn Quyết ở xóm 6, xã Nghĩa Thuận, nhà ông trồng 1,3 sào ớt cao sản ông thu được gần 10 triệu đồng sau 4 tháng.
Toàn xã  Nghĩa Thuận có 15ha trồng ớt cao sản được trồng trên đất cằn, đất cát pha. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình nên ớt sinh trưởng và phát triển tốt, sai quả. Thời gian thu hái ớt trong vòng 3 tháng; Hiện tại, tiểu thương đang về tận ruộng để thu mua cho bà con.
Ông Trần Đại Thắng - cán bộ HTX Nông nghiệp xã Nghĩa Thuận khẳng định: Đây là năm đầu tiên giống ớt cao sản được trồng tại xã và cho thấy hiệu quả hơn hẳn các loại cây trồng khác. Với năng suất và giá bán như hiện nay, mỗi ha trồng ớt có thể thu về từ 160 triệu đồng; trừ chi phí, công chăm sóc mỗi ha cho lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng sau hơn 7 tháng trồng. Với đà này, năm tới HTX tiếp tục nhân rộng diện tích ớt trên toàn xã.
Năng suất ớt ở xã Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa) bình quân đạt từ 1,5 - 2 tấn/sào. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Việc đưa giống ớt cao sản vào trồng ở các xứ đồng ở Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa không chỉ nhằm đa dạng hóa cây trồng còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng trồng ồ ạt dẫn đến việc đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, HTX nông nghiệp Nghĩa Thuận cần kịp thời đưa ra các giải pháp, định hướng phù hợp cho bà con.
Còn tại tỉnh Hòa Bình, năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND xã Thượng Bì (huyện Kim Bôi) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Ớt Việt Nam triển khai mô hình trồng ớt xuất khẩu. Công ty đã cung cấp giống ớt cay lai F1 số 20 vào trồng trên diện tích 4ha với 36 hộ tham gia.
Mô hình khởi động từ tháng 10/2017, thời gian sinh trưởng, phát triển khoảng 70 ngày là cây ớt cho thu hoạch. Đây là lần đầu tiên cây ớt được đưa về trồng tại địa phương nhưng được đánh giá là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Các hộ tham gia được tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...
Giống ớt cay lai F1 số 20 phù hợp với đồng đất và khí hậu nên sinh trưởng tốt, cho trái nhiều, mẫu mã quả đẹp. Ớt đã cho thu hoạch 3 lứa quả, năng suất trung bình đạt từ 1 – 1,3 tấn quả/sào, tổng thu hái 3 lứa ước trên 11 tấn. Với giá bán cho Cty là 10.000đồng/kg (giá bao tiêu thấp nhất là 5.000 đồng/kg), bà con rất yên tâm sản xuất, không lo đầu ra…
Trồng ớt cay lai xuất khẩu thu nhập 250 triệu đồng/ha. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Ông Bùi Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Thượng Bì cho biết, so với cấy lúa, trồng ngô thì cây ớt cho thu nhập cao gấp 3 lần. Việc chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây trồng mới đang là một hướng đi đúng. Theo đánh giá thì mỗi 1ha trồng ớt bà con thu được 250 triệu đồng (1ha thu hoạch được 25 tấn quả). Từ thành công của mô hình, trong năm 2018 xã sẽ tiếp tục nhân rộng ra các xóm khác với diện tích khoảng 8ha.
Một gương điển hình về làm giàu nhờ trồng ớt đó là "lão nông" Nguyễn Thị Kim Xuân ở Củ Chi (TP.HCM). Nhờ áp dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ Israel, bà Xuân đã phát triển được trang trại ớt sạch, rộng 3 hecta, mỗi ngày cung cấp thị trường 500kg ớt, thu về hơn 800 triệu đồng/tháng.
Sau khi tốt nghiệp ngành Trung cấp Mỹ Thuật TP.HCM, bà Xuân gắn bó với công việc thiết kế thời trang, sản xuất trang phục quần áo cung cấp hàng cho các siêu thị. Bà theo nghề thời trang gần 30 năm. Đến năm 2015, trong một lần nói chuyện qua điện thoại với người chị ruột định cư bên Úc đang phát triển trang trại nông nghiệp bằng công nghệ tiên tiến của Israel cho thu nhập cao, đồng thời nắm bắt nhu cầu cần sản phẩm nông nghiệp sạch của người dân hiện nay, bà Kim Xuân quyết định chuyển nghề sản xuất thời trang sang đầu tư nông nghiệp sạch.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuân đã tạo nên vườn ớt sạch với công nghệ nông nghiệp Israel mang lại thu nhập cao. (Ảnh: Thanh Niên)
“Trong hai năm gần đây, người dân đang rất hoang mang trước các loại thực phẩm bẩn gây hại sức khỏe và hướng đến sản phẩm sạch. Đồng thời, chị tôi ở bên Úc thường xuyên gọi điện chia sẻ kinh nghiệm và động viên thực hiện trang trại nông nghiệp sạch. Sau nhiều đêm suy nghĩ và bàn bạc với gia đình, tôi mới bắt đầu thực hiện”, bà Kim Xuân chia sẻ.

Nói là làm, bà Xuân mạnh dạn bỏ ra 60 triệu đồng thuê mảnh đất rộng 3 hecta/năm, trên địa bàn xã Trung Lập Thượng (H.Củ Chi) và thuê máy cày về xới đất, vun thành từng luống. Sau đó, bà thuê người phủ bạt nilon lên các luống giữ độ ẩm của đất, ngăn cỏ dại và lấy bọc nilon làm thành các “bầu giá thể” đặt thành từng hàng trên luống đất cách nhau khoảng 5cm.
Cây ớt được trồng cách ly hoàn toàn với mặt đất. (Ảnh: Thanh Niên)
Cũng theo bà Xuân, sau khi hoàn thành đặt bịch giá thể lên luống, ngăn cách hoàn toàn với mặt đất, bà tiếp tục mua hạt giống ớt chỉ thiên, chỉ địa về ươm cây. Cây lên khoảng 1 tháng sẽ được trồng vào bầu giá thể. Đồng thời, vườn ớt còn được thiết kế hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động để cung cấp độ ẩm và nước cho cây phát triển tốt. Vườn ớt cũng được bọc lưới cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài để tránh côn trùng gây hại.
Cây ớt được trồng với công nghệ này sẽ sinh trưởng tốt, cho nhiều trái. Trái ớt khi chín có độ bóng đẹp, khi bẻ đôi trái ra sẽ có mùi thơm. “Khi mọi người trồng ớt trực tiếp xuống đất, đất ẩm thấp nên cây ớt dễ bị nấm. Cây ớt trồng với công nghệ Israel được cách ly hoàn toàn với đất bằng lớp nilon tránh được các loại bệnh. Có thể thu hoạch nhiều năm liên tiếp nhưng năng suất vẫn tăng cao. Cây ớt khi trồng xuống, sau hai tháng bắt đầu ra trái và từ tháng thứ 3 trở đi là bắt đầu thu hoạch”, bà Xuân cho hay.
Cây ớt có thể cho năng xuất cao trong nhiều năm tiếp theo. (Ảnh: Thanh Niên)
Theo bà Xuân, mỗi ngày thu hoạch toàn vườn ớt rộng 3 hecta, bà thu được khoảng 500kg, cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn TP.HCM giá 55.000 đồng/kg. Tính ra thu nhập một tháng khoảng hơn 800 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Thị trường ớt ở TP.HCM đang cần rất nhiều, mỗi ngày cung cấp sản lượng ớt lớn như vậy nhưng trại ớt của bà bán ra vẫn không đủ. Cây ớt trồng theo công nghệ này không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng nitrat nên an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Ớt được bà Kim Xuân đóng gói trước khi cung cấp hàng cho các siêu thị. (Ảnh: Thanh Niên)
Hiện tại, trang trại ớt của bà Xuân tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương, có ngày công từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày./.