Gia đình ông Loi (dân tộc Bana) ở làng Brông Thông, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, Gia Lai có 5 sào cà phê, trồng cách đây hơn 20 năm. Hiện vườn cây đã già cỗi, năng suất và chất lượng hạt cà phê rất thấp.

Gia đình ông muốn tái canh toàn bộ vườn cây, nhưng do thiếu vốn, lại mất 4-5 năm mới cho thu hoạch ổn định trở lại, nên vẫn chưa thể triển khai trên diện rộng mà chủ yếu chỉ trồng lại một số cây bị chết hoặc bị sâu bệnh. Dù biết nhà nước có chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi để tái canh nhưng đến nay gia đình ông Loi vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

vov_nong_dan_gia_lai_mkir.jpg
Chỉ 2% hộ dân và doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay hỗ trợ tái canh cây cà phê của Nhà nước.
Nhu cầu vốn cho tái canh cà phê của người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số là rất lớn, tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi đang gặp khó khi hiện nay phần lớn bà con không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những hộ có giấy chứng nhận hoặc có tài sản khác thì hầu hết đã thế chấp vào các ngân hàng để đầu tư vào mục đích khác. Vì vậy, người dân khó có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi khi mà quy trình, thủ tục cho vay yêu cầu phải có tài sản để thế chấp.

Ông Jil (dân tộc Bana) ở làng Brông Thông, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, cho biết vợ chồng ông được cha mẹ cho 1 ha cà phê, hiện nay đã già cỗi. Vì diện tích này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không tiếp cận được vốn vay ưu đãi.

Mặt khác, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi cho tái canh cũng đang gặp một số vướng mắc bởi quy trình cho vay có yêu cầu quá khắt khe. Định mức cho vay trên một đơn vị diện tích hiện nay là 150 triệu đồng/ha là khá thấp. Trong khi đó lãi suất chưa thực sự hấp dẫn, thời gian cho vay ngắn và việc giải ngân nhiều lần cũng không phù hợp với nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp.

Theo ông Hà Ngọc Uyển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 5.000 hộ dân cùng một số doanh nghiệp có nhu cầu và đăng ký để được tiếp cận vốn ưu đãi cho tái canh cà phê. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 100 hộ dân và 2 doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay, với dư nợ khoảng 38 tỷ đồng. Một tỷ lệ rất thấp so với nhu cầu thực tế.

Nguồn vốn ưu đãi Chính phủ đề ra trong chương trình tái canh nhưng tại Gia Lai, nông dân tiếp cận được rất ít. Ông Hà Ngọc Uyển mong muốn "Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo nâng mức vay lên cho nhân dân có nguồn vốn dồi dào hơn".

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai.
"Trước kia quy định 2-3 lần giải ngân, theo tôi nên rút lại 1 lần, cùng lắm là 2 lần để người dân tiện trong việc sử dụng nguồn vốn. Cơ quan quản lý về tài nguyên môi trường đẩy nhanh tiến độ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân. Thêm nữa, ngân hàng tạo điều kiện cho hộ dân hình thành tài sản trên đất để làm cơ sở thế chấp vay thì sẽ thuận lợi hơn", ông Hà Ngọc Uyển kiến nghị.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 90.000 ha cà phê, là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, ngành sản xuất này đang đứng trước nhiều thách thức do diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng. Trong khi đó, việc tiếp cận chính sách ưu đãi cho tái canh lại đang gặp nhiều khó khăn./.