Mặc dù việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam vẫn đang trong quá trình đàm phán, nhưng các doanh nghiệp dệt may và da giày của Việt Nam đã chủ định kế hoạch tham gia vào “sân chơi” mới đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập.

Hiện nay, dệt may là một trong những ngành kinh tế lớn nhất nước với 4.000 doanh nghiệp, doanh thu đạt 20 tỷ USD/năm, chiếm 15% GDP của cả nước. Việt Nam nằm trong top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, sản phẩm đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, thời gian tới, khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường lớn. Điển hình là thị trường Hoa Kỳ với khoảng 1.000 dòng thuế nhập khẩu dệt may sẽ giảm dần về 0% thay vì khoảng 17%-20% như hiện nay và tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ đang khoảng 7%/năm sẽ tăng lên mức 15%/năm.

Tuy nhiên, trước một cơ hội lớn như vậy, các doanh nghiệp dệt may lại cảm thấy lo lắng vì có thể sẽ không đạt được các tiêu chí mà các Hiệp định đã đề ra. Đó là tỷ lệ nội địa hóa phải đạt mức 55%, trong khi tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may vẫn còn ở mức thấp.

da_giay_muge.jpgCác DN da giày cần chủ động đảm bảo nguồn cung cấp nguyên phụ liệu. (Ảnh: KT)
Ông Nguyễn Đỗ Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP may mặc Paroxy chia sẻ, doanh nghiệp cảm thấy lo lắng nhiều hơn bởi thách thức quá lớn. Quy tắc của TPP quy định, tỷ lệ phần trăm nội khối, tức giá trị nội khối tạo nên sản phẩm xuất khẩu phải đạt trên 55%, trong khi Việt Nam chỉ có gia công, chiếm rất nhỏ khoảng 20%.

“Tôi chưa biết doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì để vượt qua thách thức này. Chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với dòng đầu tư FDI của ngành may mặc. Nếu doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư từ dệt xong mới đến may thì doanh nghiệp trong nước mới có khả năng thực hiện được lợi thế. Đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay chủ yếu làm gia công và không có công nghiệp phụ trợ sẽ là một thách thức rất lớn”, ông Kiên cho biết.

Có cùng nỗi lo với ngành dệt may, hiện nay ngành da giày cũng đang gặp khó khăn về tự chủ nguồn nguyên, phụ liệu trong sản xuất. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp da giày Việt Nam chủ yếu chỉ tham gia một vài khâu trong chuỗi giá trị của sản phẩm, chưa quan tâm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu. Như vậy, cùng với việc mở cửa thị trường, ngành da giày cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường trong nước.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội da giày-túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp da giày cần chủ động đảm bảo nguồn cung cấp nguyên phụ liệu nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chất lượng sản phẩm.

“Chúng tôi mong muốn sau khi có khảo sát cụ thể sẽ tư vấn cho Chính phủ một kế hoạch, chiến lược để tập trung xây dựng đầu tư vào kiểm định chất lượng hàng hóa cho sản phẩm da giày nói riêng và các sản phẩm khác nói chung. Tuy nhiên, việc kiểm định đó không chỉ dành cho thị trường EU mà sẽ giúp nâng cao chất lượng của các sản phẩm của thị trường nội địa. Khi các Hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết và có hiệu lực, các hàng rào thuế quan gần như được dỡ bỏ. Cạnh tranh còn lại chính là sản phẩm, người tiêu dùng có quyền lựa chọn những sản phẩm nào có chất lượng tốt nhất, phù hợp nhất”, bà Xuân cho biết.

Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật thương mại khi xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời chịu sức ép về mở cửa thị trường như hàng hoá, dịch vụ, mua sắm... Cùng với đó là những thách thức về khả năng nắm bắt cơ hội, nguy cơ bị trừng phạt thương mại, khởi kiện.

“Các rào cản thương mại ngày càng gia tăng. Có những rào cản dưới góc độ tiêu dùng là tốt vì sẽ bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo đảm tốt hơn vệ sinh dịch tễ, giá cả. Nhưng dưới góc độ người làm kinh doanh thương mại, đó lại là một rào cản bởi các doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều hơn, phải làm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn, chi phí tài chính nhiều hơn để xuất được mặt hàng vào thị trường. Tất nhiên, những mặt hàng của Việt Nam không chỉ riêng phù hợp với thị trường Hoa Kỳ mà trong xu hướng xuất khẩu sắp tới vào thị trường EU, Nhật Bản cũng càng ngày càng tăng”, ông Dương cho biết.

Những thách thức khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do là rất lớn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tăng cường đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tích cực tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng trong khu vực và toàn cầu; Thực thi đầy đủ nghĩa vụ trong hiệp định, tránh vi phạm các quy định./.