Hành động cụ thể, tích cực để sớm gỡ bỏ thẻ vàng của Liên minh Châu Âu (EU) đối với thủy sản Việt Nam là nội dung chính được các đại biểu thảo luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm của ngành thủy sản diễn ra sáng nay (4/7) tại Hà Nội.

thuy_san_hbwy.jpg
Việt Nam nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng của Liên minh châu Âu đối với thủy sản. (Ảnh minh họa: chế biến basa xuất khẩu, KT)

Theo Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết thúc đợt kiểm tra tại Việt Nam từ ngày 16 đến 24/5/2018, Uỷ ban châu Âu (EC) đã gửi Công thư ngày 25/6/2018 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo ý kiến của EC đối với các nội dung Đoàn Thanh tra đã kiểm tra tại Việt Nam. Để triển khai có hiệu quả chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Đoàn thanh tra của EC cho rằng, việc chống khai thác IUU cần được Việt Nam hành động cụ thể, tích cực, mạnh mẽ hơn trong thực tiễn.

Một trong những khuyến nghị đưa ra của EC mà Việt Nam cần phải ưu tiên trong thời gian tới là từ ngày 1/1/2019, toàn bộ tàu cá chiều dài từ 24m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình công nghệ vệ tinh; tăng cường công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, trên biển và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá một cách hệ thống, chính xác để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Châu Âu được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xác nhận, chứng nhận.

Bên cạnh đó, cần thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU đủ mạnh và thiết lập cơ chế phối hợp từ Trung ương đến địa phương và thường xuyên kiểm tra tăng cường kết nối thực thi nghiêm túc, thực chất trong chống khai thác IUU…

Thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu nhằm sớm khắc phục thẻ vàng đối với thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam cho biết, đến nay đã có hơn 60 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cam kết chống khai thác IUU. Các doanh nghiệp này sẽ chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp; không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm.

Về phía Hiệp hội, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn rằng ở cấp độ các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn những Luật đã ban hành như Luật Thủy sản, các Nghị quyết, quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành để tạo nền tảng cho việc hướng tới tháng 1/2019 khi Châu Âu cử đoàn thanh tra sang để kiểm tra, đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Nhằm khắc phục những tồn tại và bất cập và thực hiện các nội dung của Đoàn thanh tra EC đưa ra trong đợt kiểm tra, đánh giá vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường quản lý nghề cá, tạo sự chuyển biến của toàn hệ thống quản lý khai thác thủy sản, nhất là thực tiễn của các địa phương để EC xem xét gỡ "thẻ vàng" trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 6 tháng chưa phải là khoảng thời gian để đủ thực hiện hết các khuyến nghị mà EC đưa ra đồng thời chuyển từ nghề cá nhân dân sang một nghề cá khai thác có trách nhiệm bền vững, tuy nhiên về lâu dài đây là đòi hỏi tất yếu cần phải tổ chức thực hiện.

"Chúng ta phấn đấu để có nghề cá bền vững, nghề cá với chuỗi giá trị, nghề cá khai thác có trách nhiệm không để ngư dân khai thác không bền vững", ông Cường nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Cường, đây là mục tiêu lâu dài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tới đây tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, nhất là Chương trình hành động để 28 tỉnh Duyên hải vào cuộc trách nhiệm quyết liệt hơn. Trách nhiệm của ngư dân, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải rõ hơn và quyết liệt hơn nữa thì mới sớm gỡ bỏ được thẻ vàng./.