Báo cáo Asia 2020 do Nielsen Việt Nam mới công bố cho thấy, các lãnh đạo doanh nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự đoán, đến năm 2020, các hình thức kinh doanh sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ so với hiện tại.
Nhận định về môi trường kinh doanh trong vòng 5 năm tới, 76% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, các hình thức kinh doanh sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ so với hiện tại và 48% các doanh nghiệp tin rằng doanh nghiệp của họ đã sẵn sàng cho tương lai.
Tuy nhiên, chỉ có 43% số doanh nghiệp tự tin để nói rằng, họ có sẵn hệ thống và quy trình để phát hiện ra những chỉ số thay đổi từ sớm. Trong khi đó, 59% doanh nghiệp nhận thức sẽ rất khó khăn để có thể điều hướng tổ chức của họ phát triển trong vòng 5 năm tới.
Báo cáo cũng cho thấy, việc thay đổi sở thích của người tiêu dùng, thay đổi pháp lý, những quy định về thể chế, thuế, sự phát triển của nền kinh tế và đối thủ cạnh tranh là những điều dự đoán phổ biến nhất của các lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo quan sát của Regan Leggett - Giám đốc bộ phận nghiên cứu về các xu hướng và dự đoán của Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương, tốc độ thay đổi đang tăng tốc, và khu vực châu Á Thái Bình Dương có sự thay đổi rõ rệt nhất. Cụ thể là những thay đổi về sở thích của người tiêu dùng, các đột phá từ công nghệ sẽ đem lại những khó khăn, thách thức nhiều hơn đối với các doanh nghiệp trong việc đưa ra những dự đoán và chuẩn bị đổi thích ứng với sự thay đổi
Kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử là những nhân tố ảnh hưởng tích cực đến sự thay đổi của môi trường bán lẻ. (Ảnh minh họa: KT) |
Công nghệ làm thay đổi ngành hàng bán lẻ
Cũng theo đánh giá của Nielsen, trong 5 năm qua, môi trường bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có một cuộc cách mạng thay đổi mạnh mẽ, cuộc cách mạng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Nielsen chứng thực cho đánh giá này khi cho biết, 50% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng, các nhà bán lẻ sẽ có một tác động “tích cực” đến ngành hàng và thị trường trong 5 năm tới. Đặc biệt, môi trường kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử được xếp hạng là những nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự thay đổi của môi trường bán lẻ.
Trong khi đó, 50% lãnh đạo doanh nghiệp cũng tin rằng thương mại điện tử sẽ đóng góp 30% hoặc có thể còn cao hơn nữa vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp họ trong 5 năm tới. 32% ý kiến cho biết, thương mại điện tử sẽ mang lại cho họ 20% trong tổng số doanh thu trong hoạt động kinh doanh của họ trong 5 năm tới.
Regan Leggett nhìn nhận, công nghệ đang từng ngày thay đổi môi trường bán lẻ. Mặc dù ở khu vực Đông Nam Á, sự phát triển của thương mại điện tử vẫn còn đang trong giai đoạn trứng nước, nhưng tương lai chắc chắn sẽ phát triển theo cấp số nhân làm thay đổi thị trường bán lẻ và sở thích của người tiêu dùng.
“Thương mại điện tử không chỉ còn là mảnh đất mua bán các sản phẩm liên quan đến du lịch, sách và âm nhạc. Tại Hàn Quốc, thương mại điện tử ngày nay là kênh bán lẻ lớn nhất và tại Indonesia, doanh số bán lẻ trực tuyến đạt mức tăng trưởng 50% qua từng năm”, Regan Leggett khẳng định.
Cũng theo đánh giá của Regan Leggett, tỉ lệ dự báo tăng trưởng của thương mại điện tử tại châu Á – Thái Bình Dương báo hiệu một bước thay đổi cơ bản trong cách thức hoạt động của các doanh nghiệp trong tương lai. Bởi lẽ hiện nay, việc thiết lập cửa hàng trên môi trường trực tuyến mới chỉ là bước khởi điểm. Để hiểu và làm thế nào có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường đó lại là một chuyện hoàn toàn khác hẳn.
“Sự đa dạng của cộng đồng ASEAN cho các doanh nghiệp cả cơ hội lẫn thách thức. Các doanh nghiệp đi trước dẫn đầu và trang bị cho mình kiến thức về thị trường cũng như xu hướng của người tiêu dùng sẽ là các doanh nghiệp tốt nhất để dẫn đầu thị trường. Ngược lại, doanh nghiêp nào không thể thích nghi được với sự thay đổi sẽ bị bỏ lại sau lưng”, Regan Leggett nhận định./.