Kể từ năm 2008, động cơ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và bất động sản (chủ yếu dựa vào vốn đi vay), thay vì tiêu dùng. Giai đoạn đầu của sự bùng nổ này, Bộ Tài chính Trung Quốc phê chuẩn gói kích thích quy mô lớn hậu khủng hoảng. Sau đó, họ cho phép chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước thoải mái đi vay.
Theo Guardian, chỉ tính riêng chính quyền địa phương, khoản vay đã lên tới 3.000 tỷ USD. Số liệu này đã che đậy được tình trạng dư thừa sản xuất quy mô lớn và lợi nhuận khu vực kinh tế tư nhân giảm sút do cạnh tranh và lương nhân công tăng cao. Để bù đắp thất thoát, giới chức địa phương đã sử dụng nguồn thu từ bán đất. Số liệu gần đây cho thấy 37% nợ chính quyền địa phương Trung Quốc được bảo đảm bằng doanh thu bán đất.
Tuy nhiên, năm ngoái, Trung Quốc đã quyết định chấm dứt thời kỳ hậu khủng hoảng khi bắt đầu kiềm chế bong bóng tín dụng và kích thích nhu cầu tiêu dùng. Trên lý thuyết, công nhân được kỳ vọng tăng chi tiêu, cho phép các doanh nghiệp giảm dần đi vay. Tuy vậy, người dân vẫn tiết kiệm như một thói quen. Nhu cầu tiêu dùng cũng chững lại. Giá hàng hóa giảm càng làm trầm trọng vấn đề dư thừa sản xuất trong các ngành như thép hay xi măng. Lạm phát Trung Quốc tháng 4 đã xuống thấp nhất hơn một năm với 1,8%.
Trong khi đó, Bloomberg trích dẫn một nghiên cứu ra ngày 8/5 của Oxford Economics cho thấy nợ xấu Trung Quốc có thể vào khoảng 10% - 20% GDP, tương đương 1.000 - 1.900 tỷ USD. Adam Slater, tác giả của báo cáo cho biết: "Khoảng ước tính này quá rộng, cho thấy rủi ro rất cao. Với mức thấp nhất, con số này vẫn được coi là khá lớn. Còn nếu ở mức cao nhất, quy mô vấn đề này sẽ tương tự cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ".
Nếu nợ xấu Trung Quốc thực sự ở mức như ước tính, đây là việc rất đáng báo động. "Nợ xấu với quy mô như vậy có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng tại Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế cả khu vực và toàn cầu. Tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể rơi xuống dưới 2% và toàn cầu sẽ chỉ còn 1%", Slater nói.
Dù có vẻ phóng đại, những dự báo này cũng khiến cam kết duy trì tăng trưởng 7,5% năm nay của giới chức Trung Quốc trở nên mong manh. Hồi tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc - Lou Jiwei cũng cho biết họ chấp nhận tăng trưởng thấp trong giới hạn cho phép, miễn là tạo ra đủ việc làm.
Nhiều người tỏ ra lo ngại Trung Quốc khó kiểm soát việc đi vay của chính quyền địa phương, còn một số doanh nghiệp nhà nước cũng bắt đầu chìm trong nợ và có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng khối dự trữ ngoại tệ khổng lồ nước này tích trữ trong nhiều thập kỷ vẫn có thể được sử dụng để giải cứu các ngân hàng, một khi nền kinh tế trật bánh.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, nợ xấu Trung Quốc chạm 3.000 tỷ USD, họ vẫn có gần 4.000 tỷ USD ngoại tệ trong Ngân hàng trung ương. Nhưng dù có thể cứu nền kinh tế khi cần thiết, việc này cũng sẽ khiến kho dự trữ của Trung Quốc gần như cạn kiệt./.