Nhắc đến ông Trần Anh Được, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Đền, ở địa phương ai cũng biết. Năm nay đã gần 70 tuổi, với vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng bất kỳ việc gì trong xóm ông đều tích cực tham gia. Mỗi khi có chủ trương mới, ông đều đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con nắm bắt.

Ông Trần Anh Được, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Đền, xã Quân Chu, huyện Đại Từ, chia sẻ: "Đầu tiên khi vận động dân cũng gặp khó khăn vì dân chưa biết, chưa hiểu nông thôn mới là gì, dân được cái gì... Mới đầu vận động thì chưa hiểu sau rồi cũng hiểu ra. Ví dụ hôm nay đến hộ này vận động họ chưa hiểu, mai tôi lại đến rồi cuối cùng họ hiểu đến tận nhà tôi đồng ý".    

Ông Đặng Văn Quyết ở xóm Đền, xã Quân Chu vừa hiến hàng trăm m2 đất để mở rộng đường giao thông liên thôn cho hay, quyết định của ông có phần đóng góp từ công sức vận động nhiệt tình của cán bộ thôn, xã.

"Sau khi được cán bộ xóm, xã đến vận động hiến đất mở đường, chúng tôi cũng bàn bạc với nhau thống nhất nhà nhiều bỏ nhiều, nhà ít bỏ ít để hiến đất cùng làm đường để mình đi, sau này con cháu mình đi" - ông Quyết chia sẻ.

Những ngày qua, chính quyền và người dân xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí cuối cùng để thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiêu chí khó nhất và cũng là tiêu chí cuối cùng đó là bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường giao thông liên thôn đã được hoàn thành. Để đạt được tiêu chí này phải kể đến sự chung tay đóng góp, hiến hàng nghìn m2 đất của người dân mở đường.

Nằm ngay dưới chân núi Tam Đảo, xã Quân Chu có trên 4.000 nhân khẩu, trong đó gần 60% là đồng bào dân tộc thiểu số. Để hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới không phải dễ đối với một xã miền núi, khi điểm xuất phát năm 2016 còn tới 26% hộ nghèo.

Ông Lê Văn Toản, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng nhân xã Quân Chu, huyện Đại Từ, cho biết, mặc dù tiền trợ cấp ít ỏi, chỉ 1,9 triệu đồng/tháng, nhưng các đồng chí trưởng thôn, xóm đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đóng góp công sức thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Toản: "Làm công tác tuyên truyền vận động như Bí thư, trưởng xóm phụ cấp thấp, nhưng tình thần trách nhiệm là chính, đi từng ngõ, gõ từng nhà, có thể coi như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng ý thức trách nhiệm của họ rất là cao".

Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã có 109/137 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 11 xã đạt chuẩn nâng cao, 63 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Khi tư tưởng người dân đã thông thì làm gì cũng được, chính vì vậy mà khi thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới công tác tuyên truyền vận động rất quan trọng. Cấp Ủy và chính quyền các cấp đều rất quan tâm đến công tác dân vận, nhân tố thôn, bản, xóm là rất quan trọng để triển khai thực hiện".

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ở Tỉnh Thái Nguyên đang tăng cường triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở, bám sát nguyên tắc từ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", "dân giám sát, dân thụ hưởng". Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ thôn, xóm đóng vai trò rất quan trọng. Qua đó khơi dậy tinh thần làm chủ, huy động sức dân vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.