Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh ghi nhận hơn 3.300 trường hợp mắc cúm mùa, tăng gần 80% so với cùng kì năm ngoái. Số ca cúm có chiều hướng gia tăng từ đầu tháng 6 tới nay, ghi nhận ở cả người lớn và trẻ em và không có trường hợp tử vong. Bên cạnh cúm mùa, một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em cũng có diễn biến phức tạp so với mọi năm.
Bác sỹ Trần Thị Diệp, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: "Dịch bệnh tay, chân, miệng cũng có xu hướng tăng nhiều. so với năm 2021 với khoảng 327 ca. Tuy nhiên, khi xét nghiệm ra chủ yếu các bé nhiễm virus đường ruột và không có ca bệnh EV71 (virus gây tử vong ở trẻ). Hiện, dịch tay chân miệng cũng đang được giám sát tích cực".
Quảng Ninh đang ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết tập trung ở các khu dân cư phường Hồng Gai, Bãi Cháy, Hà Khánh và Hồng Hải của thành phố Hạ Long. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dự báo dịch Sốt xuất huyết ở thành phố Hạ Long có nguy cơ bùng phát và lan rộng sang các khu vực lân cận và cao điểm mùa dịch có thể kéo dài đến cuối tháng 11.
"Chúng tôi quan sát chỉ số véc tơ truyền bệnh thì thấy, chỉ số bọ gậy quan sát trên địa bàn thành phố Hạ Long như phường Hồng Hà, Bãi Cháy là vẫn còn ở ngưỡng cao, cảnh báo nguy cơ lại tiếp tục xuất hiện các đợt sốt xuất huyết. Tức là muỗi truyền bệnh vào người. Ngành y tế đã phối hợp với thành phố Hạ Long, sẵn sàng 200 lít hóa chất phun khử khuẩn môi trường để sử dụng khi cần thiết", ông Nguyễn Minh Tuấn nói.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh cúm mùa hiện đã có vaccine, tuy nhiên, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là người dân cần chủ động phòng, tránh, diệt muỗi và ấu trùng muỗi; dọn dẹp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ phế thải chứa nước triệt phá nguồn sinh sản của muỗi đặc biệt là các khu dân cư có ổ dịch./.