Từ Quốc lộ 1D ở tổ 1, khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn men theo con đường đồi dốc khoảng 3 - 4 km lên đến khu vực rừng trồng, vườn cây ăn quả của dân, nhìn thấy rất nhiều khu nhà, công trình bê tông kiên cố, điểm du lịch tự phát “mọc” lên giữa rừng cây. Một số nơi treo bảng bán đất ghi số điện thoại người bán hoặc biển chỉ dẫn vào các công trình, điểm du lịch tự phát.
Theo người dân địa phương, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để xây dựng công trình kiên cố ở tổ 1, khu vực 1 xảy ra lâu nay nhưng chính quyền chưa xử lý. Một người dân ở tổ 1, khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn cho biết, đất rừng bị lấn chiếm xây dựng trái phép chủ yếu là người dân tại chỗ và người từ trung tâm thành phố Quy Nhơn đến mua đất, xây dựng nhà ở, khu nhà nghỉ dưỡng.
Dọc 2 bên Quốc lộ 1D, đoạn qua khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn hàng chục công trình xây dựng trái phép để mở các quán ăn, nhà hàng, điểm du lịch cũng diễn ra tương tự. Việc xây dựng trái phép diễn ra trong thời gian dài.
Ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn giải thích rằng, do vị trí rừng bị lấn chiếm ở trên núi cao, xa khuất, lực lượng của phường mỏng nên người dân lợi dụng, lén lút xây dựng trái phép, cán bộ không kịp thời phát hiện, xử lý. Theo ông Võ Chí Thiện, mới đây, qua kiểm tra tại khu vực 1, phường đã phát hiện, lập biên bản 4 trường hợp xây dựng công trình, nhà, chòi, hồ nước trái phép.
“Có 4 trường hợp xây dựng một số công trình, một số nhà chòi cũng lập biên bản ban đầu. Xây dựng một số công trình chủ yếu là phục vụ sản xuất nông nghiệp phục vụ kết hợp du lịch. Việc xây dựng này cũng chưa có ý kiến của chính quyền, tự ý làm như thế là chưa được. Phường đã tổ chức kiểm tra, cũng đã xác lập hồ sơ ban đầu để xử lý theo quy định, nhất là làm sao bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích”, ông Thiện cho hay.
Xã Cát Thành là một trong 4 địa phương của huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đang nóng lên về tình trạng người dân lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép. Tại chân núi An Huy, thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành, nhiều hộ dân xâm chiếm đất lâm nghiệp để xây dựng công trình nhà ở, chòi quán kiên cố, có trường hợp chiếm hơn 116m2. Xây dựng trái phép diễn ra ngang nhiên nhưng chính quyền địa phương chưa có hướng xử lý dứt điểm.
Tại các xã Cát Khánh, Cát Hải và thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát cũng xảy ra tình trạng tương tự. Huyện Phù Cát xảy ra 99 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho rằng, việc xây dựng các công trình trái phép diễn ra trong thời gian dài có sự buông lỏng của chính quyền địa phương.
“Việc xâm chiếm, sử dụng đất đai không đúng mục đích phải thừa nhận, anh em ở cấp xã buông lỏng quản lý. Nổi lên một số trường hợp, một số người thấy đường sá giờ tốt rồi nên muốn xí phần đất, trong đó có những trường hợp xây cất nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Về nguyên tắc là phải tháo dỡ, trả lại hiện trạng”, ông Hưng nói.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, kịp thời xử lý các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp để xây dựng công trình trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương có đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép phải xử lý nghiêm, cương quyết buộc tháo dỡ.
“Liên quan đến vấn đề lấn chiếm đất đai, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã. Trong đó các huyện phải có trách nhiệm nhắc nhở. Bây giờ, mình là đại công trường, mở các tuyến đường giao thông trọng điểm ra thì dọc hành lang lấn chiếm, rồi các đô thị mới tới đâu lấn chiếm tới đó, đụng tới giải phóng đền bù thì nó vướng lung tung hết. Đề nghị phải tăng cường kiểm soát. UBND tỉnh đã có Chỉ thị rất cụ thể rồi, giao trách nhiệm cho UBND các huyện, cho nên đề nghị phải xử lý nghiêm, phối hợp với ngành Công an cưỡng chế, tháo dỡ, xử lý cương quyết”, ông Thanh nêu rõ./.