Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) để lại dấu ấn với nhiều điểm sáng trong hoạt động nghiệp vụ, phát hiện, chấn chỉnh uốn nắn những sai phạm xảy ra, kiến nghị thu về NSNN hàng nghìn tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật... Những thành quả đó đã khẳng định vai trò quan trọng của KTNN trong nền kinh tế. Phóng viên Báo TNVN đã phỏng vấn ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước về vấn đề này.

Phóng viên: Điều hành hoạt động KTNN trong năm qua, điều gì khiến Tổng KTNN hài lòng nhất?

Ông Hồ Đức Phớc: Năm 2017, hoạt động kiểm toán của KTNN tiếp tục đổi mới, chất lượng nâng cao toàn diện, hiệu lực, hiệu quả và kết quả cao hơn năm 2016. Đến ngày 04/1/2018, KTNN đã hoàn thành xét duyệt 273/282 báo cáo kiểm toán với số tiền xử lý tài chính là trên 43.660 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 15.222 tỷ đồng; giảm chi NSNN là 17.387 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 11.051 tỷ đồng.

ktnn_jmss.jpg
Ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị, sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật (trong đó 7 nghị định, 14 thông tư, 30 quyết định, 7 nghị quyết và 30 văn bản khác), nhằm bịt các lỗ hổng, các sơ hở, tránh thất thoát, lãng phí. Ðặc biệt, KTNN phát hiện thừa 57.175 công chức, viên chức và có kiến nghị chấn chỉnh siết chặt công tác quản lý; qua kiểm toán 22 dự án BOT giao thông, giảm thời gian thu phí 62 năm, 8 tháng; kiểm toán giá trị 6 doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa, tăng vốn nhà nước lên 8.688 tỷ đồng; chuyển 4 vụ việc cho cơ quan điều tra xử lý; 14 hồ sơ cho các cơ quan kiểm tra, giám sát, tố tụng.

Thực hiện kiến nghị kết luận kiểm toán năm 2016 đạt 29.915 tỷ đồng/38.435 tỷ đồng (đạt 77,8%). Điểm mới nhất trong hoạt động kiểm toán năm 2017 là kiểm toán những lĩnh vực nhạy cảm được xã hội quan tâm nhất như BT, BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp, đất đai, khoáng sản, biên chế, công chức, viên chức và chất lượng các cuộc kiểm toán được nâng lên. Qua 282 cuộc kiểm toán có 17 cuộc được KTNN bình xét cuộc kiểm toán chất lượng vàng.

Phóng viên: Việc KTNN kiểm toán nhiều dự án BOT giao thông, giảm thời gian thu phí hơn 100 năm, góp phần giúp các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, người dân có nhiều góc nhìn hơn về các dự án BOT giao thông. Có ý kiến cho rằng, đây là một điểm sáng mà KTNN làm được trong năm qua. Quan điểm của Tổng KTNN như thế nào về vấn đề này?

Ông Hồ Đức Phớc: Chúng tôi là cơ quan đầu tiên đột phá thực hiện kiểm toán các dự án BOT giao thông. Năm 2016, chúng tôi thực hiện kiểm toán được 27 dự án, giảm thời gian thu phí 107 năm và năm 2017, chúng tôi thực hiện được 22 dự án, giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng. Tổng cộng 49 dự án, giảm thời gian thu phí là 169 năm 8 tháng. Đây thực sự là một điểm sáng của KTNN trong thời gian vừa qua, giúp giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông; đồng thời giúp cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách quản lý dự án BOT chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, minh bạch hơn.

Số liệu kiểm toán đưa ra là cơ sở cho chủ đầu tư và cơ quan quản lý quyết toán các dự án BOT giao thông. Những vấn đề KTNN đánh giá, kiến nghị là cơ sở để sửa đổi, ban hành quy định, hoàn thiện chính sách quản lý BOT nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiệu quả, bền vững hơn.

Phóng viên: Còn việc kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty thì sao, thưa ông?

Ông Hồ Đức Phớc: Năm 2016, chúng tôi tiến hành kiểm toán giá trị doanh nghiệp 7 tập đoàn, tổng công ty kinh tế nhà nước trước khi cổ phần hóa. Qua kiểm toán, chúng tôi kiến nghị tăng vốn của Nhà nước lên được 21.000 tỷ đồng. Còn năm 2017, qua kiểm toán 6 tổng công ty, tập đoàn kinh tế, chúng tôi kiến nghị tăng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lên 8.688 tỷ đồng; đồng thời thu các khoản thu về cho ngân sách được gần 500 tỷ đồng.

Cùng với việc kiểm toán giá trị doanh nghiệp, chúng tôi đã tiến hành kiểm toán việc quản lý tài chính công, tài sản công tại 31 tổng công ty, tập đoàn, ngân hàng thương mại khác, như Tổng công ty HUD, VINACONEX, Bia Habeco, Sabeco; Tổng công ty đường sắt, Ngân hàng thương mại cổ phần Vietcombank... Qua kiểm toán đã chấn chỉnh uốn nắn những sai phạm xảy ra, kiến nghị thu về NSNN các khoản chi sai chế độ, các khoản phải nộp khác.

Phóng viên: Nhìn lại hoạt động của năm 2017, ông đánh giá như thế nào về công tác hợp tác quốc tế của KTNN Việt Nam đối với KTNN các nước trong khu vực châu Á?

Ông Hồ Đức Phớc: KTNN Việt Nam có mối quan hệ và hợp tác rất chặt chẽ, mật thiết, sâu sắc, thường xuyên đối với KTNN của các nước châu Á. Hằng năm, KTNN cử các đoàn dự các hội thảo khoa học, gửi cán bộ sang đào tạo, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài.

Qua các hoạt động hợp tác quốc tế, KTNN Việt Nam đã học hỏi được nhiều phương pháp, kiến thức mới như kiểm toán về môi trường, hay kiểm toán về công nghệ thông tin,… Đồng thời tìm hiểu việc ứng dụng, sử dụng công cụ CNTT trong hoạt động kiểm toán. Hằng năm KTNN cũng tổ chức tập huấn cho KTNN Lào, Campuchia, các lớp nghiệp vụ kiểm toán. Có thể nói, hợp tác quốc tế trong cộng đồng ASOSAI (Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á) hết sức chặt chẽ và hiệu quả. Trong thời gian tới KTNN Việt Nam với vai trò là Trưởng ban kế hoạch chiến lược, sau tháng 9/2018 sẽ là Chủ tịch ASOSAI thì cũng phải có nhiều đóng góp cho công tác hợp tác giữa các SAI châu Á.

Phóng viên: Năm 2018, lần đầu tiên KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức đại hội ASOSAI và sẽ là chủ tịch nhiệm kỳ 2018 - 2021, xin Tổng KTNN cho biết ý nghĩa của sự kiện này?

Ông Hồ Đức Phớc: Tháng 9/2018, ASOSAI sẽ tổ chức đại hội ASOSAI 14. Có thể nói đây là vinh dự lớn cho KTNN khi được 46 tổ chức kiểm toán tối cao của châu Á bầu để được đăng cai và sẽ là chủ trì của Đại hội ASOSAI 14, chủ tịch của kiểm toán châu Á tối cao nhiệm kỳ 2018 - 2021. Đồng thời, đây cũng là trọng trách hết sức to lớn. Hiện nay chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho công tác này. Thường vụ Quốc hội thành lập Ban chỉ đạo và thành lập Ban tổ chức, các tiểu ban và đã xây dựng kịch bản, phương án để chuẩn bị cho tổ chức đại hội thành công tốt đẹp. Đại hội là dịp để tuyên truyền hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế, là cầu nối để thu hút khoa học, kinh nghiệm, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư.

Công tác chuẩn bị đã tiến hành được 3 vòng và các điều kiện chuẩn bị tương đối chu đáo từ khâu tuyển chọn những cán bộ ở trong ngành biết tiếng Anh để phục vụ đưa, đón đoàn và tổ chức tập huấn kỹ năng và văn hóa, am hiểu về lịch sử các nước để thực hiện đưa đón đoàn một cách tốt nhất đến công tác hậu cần, lễ tân, an ninh được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng tôi tin tưởng Đại hội kiểm toán ASOSAI 14 sẽ thành công tốt đẹp.

Hội nghị ASOSAI là một cơ hội để KTNN tiếp cận với kinh nghiệm, phương pháp và các công nghệ kiểm toán của các nước tiên tiến trên thế giới mà đặc biệt là 46 thành viên của ASOSAI châu Á. Và chính thông qua đại hội của ASOSAI thì KTNN sẽ mở, thắt chặt được mối quan hệ với các SAI trên thế giới nhằm nâng cao năng lực cho KTNN thành viên ASOSAI, trong đó có Việt Nam.

Phóng viên: Vai trò của KTNN Việt Nam đối với hoạt động của ASOSAI ra sao, thưa ông?

Ông Hồ Đức Phớc: Hiện nay, KTNN Việt Nam giữ vai trò Trưởng ban kế hoạch chiến lược ASOSAI. Đến Đại hội ASOSAI 14, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai, chủ trì tổ chức Đại hội ASOSAI, đồng thời sẽ là chủ tịch của ASOSAI (nhiệm kỳ 2018 - 2021). KTNN Việt Nam sẽ giữ vai trò lãnh đạo 46 SAI châu Á trong vòng 3 năm, điều đó cũng có nghĩa là KTNN Việt Nam sẽ giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt các hoạt động của ASOSAI; đồng thời, luôn là mẫu số chung cho các hoạt động ASOSAI có hiệu quả, đoàn kết vì một mục tiêu chung nhằm tăng cường năng lực, thắt chặt đoàn kết, hoạt động hiệu quả của các SAI thành viên.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!