Từ những bàn tay chỉ quen với cày cuốc, người Mông 2 bản Thèn Pả và Háng Là, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã làm quen với cách tiếp đón, mời chào khách du lịch. Cánh rừng thông bà con trồng đầu bản cách đây gần 15 năm đã trở thành điểm du lịch thu hút hàng trăm khách mỗi ngày, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

vov_nguoi_mong_lam_du_lich_zslt.jpg
Đường vào bản được người dân sử dụng nghệ thuật sắp đặt bằng con đường chong chóng mang lại cảm giác mới lạ cho người thưởng ngoạn.

Sau khi mở cửa rừng thông đón khách vào đầu tháng 10, sáng nào cũng thế, hơn 100 hộ dân của 2 bản Thèn Pả và Háng Là cũng cử mỗi nhà 1 người lên đây tiếp tục hoàn thiện các hạng mục đón khách. Vừa chỉ đạo bà con làm chòi lá cọ, ông Giàng A Thắng, Bí thư chi bộ bản Thèn Pả phấn khởi khoe, từ bậc lên xuống đến dọn vệ sinh, lát đá, làm chòi đều được ban đại diện phân chia việc rõ ràng cho từng người, từng nhà. Mới làm thôi nhưng ai cũng hồ hởi và vui vẻ lắm.

"Tổng 2 bản là 126 hộ, một số gia đình cũng do hoàn cảnh, ở đây làm trên tinh thần tự nguyện thôi. Chúng tôi cũng không có ý định bảo gia đình này phải đóng góp, gia đình kia phải đóng góp. Trên tinh thần là tự nguyện đóng góp ngày công xong làm, với mức vốn ban đầu dự định mỗi hộ dân sẽ góp 1 triệu", ông Giàng A Thắng cho hay.

Ý tưởng phát triển đổi thông thành khu du lịch sinh thái được chính bà con trong bản để xuất khi thấy những ngày cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ rất đông người đến đây. Và rồi hai bản họp nhau lại đề xuất với xã, huyện về cách làm. Thấy cộng đồng hai bản Mông có tinh thần đoàn kết cao, ý tưởng mới, khu rừng lại do chính dân trồng, người dân quản lý để làm du lịch, xã và huyện đã đồng ý.

Chủ trương và cách làm đã có nhưng vốn liếng đâu ra? Số tiền cần hơn 100 triệu đồng để đầu tư ban đầu không lớn, nhưng với các hộ nghèo thì số tiền 1 triệu đồng/hộ phải đóng góp không phải là nhỏ.

Nằm ở độ cao khoảng 1.000 mét so với mực nước biển, điểm du lịch đồi thông Thèn Pả được du khách đánh giá có không gian, khí hậu đẹp như Đà Lạt (Lâm Đồng).

Ông Giàng A Súa, người dân Thèn Pả đã mạnh dạn đề xuất đứng tên ra Ngân hàng Nông nghiệp huyện vay 100 triệu đồng. Hai bản đồng lòng để ông Suá đi vay tiền làm du lịch. Ông Súa bảo chưa bao giờ bà con ở đây lại đoàn kết và phấn khởi thế.

Số tiền vay và tiền xã, huyện hỗ trợ được trưởng 2 bản công khai mua nguyên vật liệu để làm đường giao thông, làm chòi, làm nhà lá cho du khách dừng chân, ngắm cảnh. Đặc biệt 20 người được cử đại diện đi học cách làm của mô hình du lịch cộng đồng bản Cát Cát, Sa Pa.

Từ cánh rừng thông rộng hàng chục ha cách đây hơn 10 năm, đồng bào Mông Tả Lèng đã khai thác để phát triển du lịch sinh thái, gắn với văn hóa dân tộc Mông thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Dù vẫn đang trong thời gian đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng gần một tháng nay đã đón hơn 6.000 lượt du khách, thu được hơn 30 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Kiện, Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết, để đảm bảo đón khách, người dân địa phương đã thành lập nhiều tổ để quản lý, phục vụ, từ công tác vệ sinh đến đảm bảo an toàn cháy nổ được bà con đề cao.

"Xây dựng các phương án để người dân thực hiện các phương án khai thác điểm này làm du lịch. Đồng thời bảo vệ không chặt phá rừng bừa bãi. Chỉ cho nhân dân tận dụng những cây gẫy đổ để làm điểm này", ông Kiện nói.

Nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, điểm du lịch đồi thông Tả Lèng được du khách đánh giá có không gian, khí hậu đẹp như Đà Lạt. Đến đây du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp  của núi rừng vùng cao Tây Bắc mà còn cảm nhận được vẻ mộc mạc, giản dị giàu lòng mến khách và tinh thần cộng đồng đoàn kết phát triển du lịch vươn lên xóa nghèo của đồng bào Mông nơi đây./.