Mặc dù ở cạnh cửa biển, quanh năm nước mặn nhưng bằng sự cần cù, siêng năng nhiều hộ dân sống dưới tán rừng phòng hộ xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã thực hiện thành công mô hình trồng mãng cầu ta trên bờ vuông tôm. Mỗi hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm nhờ mô hình này.

vov_trong_na1_poku.jpg
Mô hình trồng mãng cầu ta trên bờ vuông tôm dưới tán rừng phòng hộ ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau giúp thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.

Gia đình ông Mai Văn Tâm (ấp Đất Mới, xã Phong Điền) là một trong những hộ dân đi đầu phát triển trồng cây mãng cầu tại vùng đất mặn xã Phong Điền. Vào năm 2001, thấy những bờ bao vuông nuôi tôm vừa cao vừa rộng mà bỏ không, cỏ dại mọc um tùm nên ông nghĩ đến việc tìm một loại cây nào đó để phát triển kinh tế.

Vuông tôm của gia đình chỉ cách biển khoảng 300 mét, quanh năm nước mặn bủa vây nên ông phải tìm hiểu kỹ mới quyết định trồng thử 30 gốc mãng cầu ta. Cây mãng cầu tỏ ra thích nghi tốt với chất đất mặn nơi đây và dần cho trái ngọt.

Từ thành công bước đầu gia đình ông đã nhân rộng và hiện nay sở hữu vườn cây hơn 300 gốc. Hằng năm, ngoài nguồn thu từ con tôm, con cá dưới tán rừng phòng hộ ông Tâm còn có thu nhập khoảng 60 - 70 triệu đồng từ mãng cầu.

Ông Mai Văn Tâm chia sẻ, cây mãng cầu chịu được độ mặn và chịu hạn ở vùng này. Có hiệu quả kinh tế, trái mãng cầu đem ra thị trường tiêu thụ được người dân rất thích. Mãng cầu ở vùng nước mặn này ăn rất ngon.

Cây mãng cầu ta chịu được độ mặn và chịu hạn.

Gia đình ông Trần Văn Bính cũng là một trong những hộ đang có thu nhập cao nhờ trồng thành công mãng cầu ở ấp Đất Mới. Ông Bính bắt đầu nghiệp trồng cây ăn trái tại đây bằng nhiều loại cây nhưng không thành công. Sau đó, ông học hỏi những hộ dân khác và chuyển qua trồng mãng cầu ta.

Ông Bính cho biết, bí quyết để trồng thành công cây mãng cầu trên vùng đất mặn phèn này rất đơn giản. Bờ vuông nuôi tôm của người dân nơi đây để chống triều cường đã cao sẵn nên chỉ cần thường xuyên gia cố. Vấn đề còn lại là hằng ngày, phải tưới nước ngọt để đảm bảo cây phát triển ổn định.

Ưu điểm của cây mãng cầu có thời gian thu hoạch dài, từ tháng 6 - 12 âm lịch hàng năm. Nếu chăm sóc tốt, trung bình mỗi cây có thể cho từ 20 – 30 kg trái/năm. Tại địa phương, rất khó khăn trong phát triển trồng cây ăn trái nên sản phẩm bà con làm ra luôn có giá ổn định và rất được ưa chuộng.

"Hiện tại tôi có khoảng mấy trăm cây. Hàng năm cho năng suất rất ổn định. Loại một có giá bán khoảng 50.000 đồng/kg nên có nguồn thu khá cao", ông Bính cho hay.

Hiện nay, mô hình trồng mãng cầu ta đã có khoảng 10 hộ dân ấp Đất Mới, xã Phong Điền thực hiện. Nhờ trồng kết hợp loại cây này với nuôi trồng thủy sản trong vuông tôm mà đời sống người dân nơi đây ngày càng khấm khá. Nhiều hộ có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Kết hợp trồng mãng cầu ta và nuôi trồng thủy sản đem đến thu nhập cả trăm triệu đồng/năm cho người dân xã Phong Điền.

Nói về mô hình trồng mãng cầu đang phát triển tại địa phương, ông Lê Văn Phương, Bí thư Chi bộ ấp Đất Mới, xã Phong Điền, cho biết, qua từng năm số lượng cây mãng cầu tăng lên. Đây cũng là nhờ sự tác động, vận động của chính quyền địa phương cũng như các ngành đoàn thể. Vận động bà con làm cách nào để trồng các loại cây phù hợp trên các bờ vuông từ đó tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Từ sự cần cù, chịu khó, tự tìm cho mình hướng đi mới, người dân miền biển xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã biến vùng đất phèn mặn ven biển thành những vườn cây cho trái ngọt bên tán rừng phòng hộ.

Hiện nay, một số nông hộ nơi đây còn đang tiếp tục thực hiện trồng xen hoa màu dưới tán cây mãng cầu tươi tốt. Mô hình kết hợp này hứa hẹn sẽ giúp người dân có thu nhập cao hơn để từng bước vươn lên trong phát triển kinh tế./.