Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, ngay từ cuối tháng 1/2013, Ngân hàng đã chỉ đạo chặt chẽ và hướng dẫn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, cũng như các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thực hiện quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động theo Thông tư số 36/2012/TT-NHNN. (Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2013). Theo đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã khẩn trương ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn  phù hợp với quy định tại Thông tư số 36/2012/TT-NHNN trong toàn hệ thống của mình, quy định chế tài đối với công tác tiếp quỹ, giải quyết sự cố, khiếu nại, thắc mắc của khách hàng, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, an toàn và ổn định.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã chỉ đạo tới từng chi nhánh đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định của hệ thống ATM, tăng cường giám sát hoạt động, theo dõi lượng tiền trên máy ATM, tổ chức thực hiện rà soát mạng lưới ATM của mình, đảm bảo tuân thủ các quy định tại Thông tư 36 như: kiểm tra, rà soát hệ thống ATM (phần cứng, phần mềm, mạng truyền thông...), hoàn thiện và cải tiến quy trình quản lí, vận hành hoạt động máy ATM, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và chất lượng phục vụ của mạng lưới ATM tuân thủ các quy định tại Thông tư 36. Bố trí các đội tiếp quỹ từ 3-4 người thực hiện hàng ngày (kể cả Thứ Bảy và Chủ nhật), thậm chí vào những dịp cao điểm hoặc tại những điểm tập trung đông người rút tiền (như tại các khu công nghiệp, khu chế xuất), thực hiện tiếp quỹ đến 3-4 lần/ngày (NH No&PTNT, NH BIDV...), đảm bảo thời gian ATM hết tiền không quá 4 giờ làm việc và không quá 1 ngày nếu ngoài giờ làm việc. Ngân hàng lập các bộ phận chuyên trách thường xuyên kiểm tra tình trạng máy ATM, thiết bị, đường truyền theo quy trình, nghiệp vụ để đảm bảo an toàn hoạt động ATM. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng đang triển khai trang bị hệ thống camera ghi hình tại khu vực máy ATMvà phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ, giám sát hệ thống ATM 24/7 để kịp thời hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ và đảm bảo an ninh của khách hàng giao dịch, giải quyết kịp thời các sự cố xảy ra tại địa điểm đặt máy.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của các chủ thẻ theo đúng quy định của pháp luật, một số ngân hàng thương mại đã ban hành bộ mẫu hợp đồng dành cho khách hàng sử dụng thẻ với các nội dung quy định rõ về quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng. Liên quan đến thời gian xử lý tra soát khiếu nại đối với giao dịch ATM ngoại mạng, một số ngân hàng thương mại đã thỏa thuận và ký văn bản về thời gian trả lời tra soát tối đa 7 ngày làm việc với công ty cổ phần thẻ Smartlink nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian trả lời tra soát, khiếu nại của khách hàng. Một số ngân hàng thương mại cũng triển khai những chính sách ưu đãi đối với khách hàng thuộc đơn vị trả lương có thu nhập thấp, đối tượng sinh viên, cán bộ hưu trí và công chức viên chức hưởng lương từ NSNN như miễn phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa và phí thường niên thẻ.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố cũng đã nghiêm túc triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn  phù hợp với quy định tại Thông tư 36/2012/TT-NHNN để các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trang bị máy ATM thực hiện. Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, nhất là những thành phố lớn tập trung nhiều máy ATM, đã thành lập tổ giám sát và cử cán bộ trực tiếp đi kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, cũng như chất lượng phục vụ khách hàng của các máy ATM trên địa bàn và tổng hợp báo cáo tình hình về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư 36 của các ngân hàng thương mại để hoạt động của mạng lưới ATM ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng./.