Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ 23h00 ngày 31/12/2020. Đây là sự khởi đầu của giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. UKVFTA không chỉ tạo ra tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hiện nay, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu. Việt Nam nhập khẩu từ Anh máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh. 

Theo Bộ Công Thương, năm 2019, Anh nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam mặt hàng may mặc. Trong đó, các mặt hàng may mặc xuất khẩu lớn nhất sang Anh gồm: Bộ comple, áo jacket, blazer cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, áo khoác ngoài, áo choàng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy (cardigan), gile và các mặt hàng tương tự, dệt kim hoặc móc...

Với mặt hàng giày dép, mặc dù đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nhưng xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, trong khi Trung Quốc là gần 40%.

Với mặt hàng gạo, Anh cũng được nhận định là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng. Trong năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376%. Tuy nhiên, mức thuế quan với mặt hàng này năm 2019 vẫn ở mức cao nên khó cạnh tranh với các nước khác.

Với thủy sản, Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam có lợi thế về cả kinh nghiệm, năng lực sản xuất và nguồn cung dồi dào. Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm, trong khi đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,7%.

Cá tra đông lạnh của Việt Nam đang là một lợi thế lớn để xuất khẩu sang Anh. Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu có mức giá phù hợp và quy trình chế biến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam được thị trường EU và Anh chấp nhận.

Đối với mặt hàng gỗ, Anh là một thị trường có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn thành phẩm và nguyên phụ liệu đồ gỗ mỗi năm. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 6 vào thị trường này với giá trị xuất khẩu 421,8 triệu USD, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của Anh./.