Anh Ngô Hoài Công, nông dân ở ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cũng như nhiều hộ trồng cây thanh long ở địa phương này đang lo âu vì vườn cây đang chín đỏ nhưng thương lái từ chối thu mua. Anh Công cho biết, nếu tuần sau bán không được trái thanh long sẽ phải cắt bỏ để bảo vệ vườn cây.
“Khi cây mới có nụ thì thương lái vô nói mua, bây giờ lái mới điện thoại nói là kho đóng cửa nên không mua được. Thanh long của tôi chín rồi, chắc 3-4 ngày nữa cắt được, còn ở xóm này nhiều lắm. Nếu 1 tuần nữa mà thương lái không mua thì cắt bỏ, lỗ trắng tay” - anh công nói.
Trái thanh long ruột đỏ tuần trước giá gần 10.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 2.000 đồng/kg, nhưng rất ít người mua. Với mức giá này thì nông dân bị thua lỗ nặng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chuyên thu mua trái thanh long tạm ngưng đóng cửa, nên đầu tra trái cây này gặp khó khăn. Nhiều hộ dân trồng cây thanh long ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước của tỉnh Tiền Giang đang gặp khó khăn do phải loay hoay tìm kiếm đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Tư Em, chủ cơ sở thu mua trái thanh long tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo cho biết, đã đóng cửa kho thanh long 10 ngày nay vì sợ lây lan dịch bệnh Covid-19. Vườn cây thanh long của gia đình ông cũng đang bị bế tắc đầu ra.
“10 người thì nghỉ hết 7 người, còn chỉ 3 người mua thanh long. Tôi nghỉ không dám mua, sợ dịch bệnh vì bây giờ tại mấy kho thanh long có người nhiễm bệnh. Bây giờ xe đi khó khăn, vất vả, tài xế cũng không dám đi nữa. Người trồng bây giờ bán không được thì lỗ. Giá thanh long đỏ, trắng nay thấp lắm, còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Số lượng người mua ít quá đi nên tiêu thụ không hết, bị đọng hàng” - ông Tư Em chia sẻ.
Mấy ngày gần đây, trái nhãn xuồng ở tỉnh Bến Tre cũng bị giảm giá mạnh và thị trường tiêu thụ chậm. Trước đây, thương lái đến tận vườn mua nhãn, giá trên 20.000 đồng/kg, nay giá chỉ còn hơn 9.000 đồng/kg và rất ít người mua.
Để giải cứu trái nhãn đang gặp khó về thị trường, Tỉnh đoàn- Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã tổ chức chương trình “kết nối tiêu thụ nông sản Bến Tre trong mùa Covid-19 trên Fanpage Tuổi trẻ Bến Tre”. Tuy nhiên chương trình này bước đầu chỉ giải quyết đầu ra vài tấn trái nhãn. Chỉ tính riêng tại cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại có khoảng 200 ha nhãn xuồng trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP đã vào mùa thu hoạch nhưng đầu ra cũng rất chậm. Hàng chục tấn nhãn chín đang cần đầu ra.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết: “Giá nhãn thì 9.000 -10.000 đồng/kg, lúc này ế lắm. Nói chung, hợp tác xã, đoàn thể và cán bộ đi kêu gọi, các lái truyền thống giải cứu dùm. Nhãn này đâu có để lâu được, có mưa đêm là rụng, thối hết”.
Hiện nay, ngành công thương, các đoàn thể và chính quyền địa phương tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang tập trung các giải pháp kết nối cung cầu, tiếp tục ổn định “luồng xanh” với TP.HCM để giúp nhà nông tiêu thụ được hàng nông sản; trong đó có trái thanh long và trái nhãn. Giải pháp tháo gỡ khó khăn về đầu ra nông sản, cần sớm thực hiện để giúp nhà vườn thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa ổn định sản xuất, đảm bảo cuộc sống./.