Theo số liệu của Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2018, tổng sản phẩm sản xuất của ngành da giày ước đạt 202,2 triệu đôi, tăng 4,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

da_giay_1_rzau.jpg
Mặc dù là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 3 thế giới, nhưng ngành da giày Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. (Ảnh: KT)
Với tiềm lực sẵn có, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới. Việc ký kết một số hiệp định thương mại như Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy thu hút đầu tư cũng như xuất khẩu sang các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, hiện ngành da giày đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: chi phí nhân công ngày càng tăng; năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành da giày với xu hướng các doanh nghiệp sẽ hướng tới đầu tư thiết bị hiện đại, giảm bớt lao động...Theo Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, trong năm 2018 cũng như thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành da giày, túi xách sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới. Hiện nay, thế giới đều tính năng suất lao động theo giờ. Theo cách tính này, năng suất của các doanh nghiệp Việt Nam khoảng 0,6-0,7 đôi/giờ, còn các doanh nghiệp áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào sản xuất đã đạt 1,2 đôi/giờ.Để hóa giải những khó khăn trước mắt và duy trì được đà tăng trưởng, Bộ Công Thương cho rằng, hạn chế về năng suất liên quan đến trang thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam là một bất lợi cần phải được khắc phục sớm, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện khả năng dịch chuyển sản xuất ngành da giày từ Trung Quốc sang Việt Nam sau chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc./.