Theo Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, ngành này cũng đáp ứng 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Thế nhưng, hiện nay, ngành công nghiệp da giày Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên gia công, nguyên phụ liệu chủ yếu phải nhập khẩu (gần 60%), nhiều nhất là da thuộc.

7723_ttxvn_1807_da_giay_amfu.jpg
Ngành da giày Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. (Ảnh minh họa: KT)

Mặc dù đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên, phụ liệu cho ngành da giày như: da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm phom, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…, tuy nhiên, số lượng và quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, để có đủ nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp phải chi một số tiền khá lớn để nhập khẩu nguyên, phụ liệu về sản xuất.

Năm 2018, ngành da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017
Chuyên gia trong ngành da giày cho biết, điểm yếu của ngành da giày Việt Nam là không phát triển sản xuất giày dép song song với phát triển công nghiệp hỗ trợ như một số nước khác. Cùng với đó là sự yếu kém về công nghệ, thiết bị và thiếu nguồn lực tài chính của doanh nghiệp đã làm cho công nghiệp hỗ trợ da giày Việt Nam không thể cất cánh.

Do đó, nhà nước cần xây dựng các khu công nghiệp tập trung sản xuất da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da… với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; khuyến khích các địa phương xây dựng cụm công nghiệp chuyên sản xuất nguyên, phụ liệu. Bên cạnh đó, cần kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài./.