Đất đai là một chủ đề nóng được đặt ra tại họp báo chuyên đề về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định hiện hành do Bộ Tài chính tổ chức chiều 17/5.

Mới đây, trong một cuộc hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng "Chúng ta bán đất để ăn và đang ăn hết phần của con cháu", đã nhận được sự quan tâm và cũng gây nhiều tranh cãi. Tại buổi họp báo, báo chí đã dẫn lại câu nói này và đề nghị Bộ Tài chính công khai về số thu sử dụng đất thời gian qua.

dat_cong_bi_su_dung_lang_phi_mwzl.jpg
Công khai, minh bạch sẽ chặn dần tình trạng thất thoát tài sản công

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh đính chính: “Nói bán đất không hẳn là đúng”. Hiện có 4 chế tài để thu từ đất đai, bao gồm: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế, các loại thuế và các loại phí liên quan đến đất đai.

Ông Thịnh cho biết, hiện nay, hai khoản thu lớn nhất là tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Năm 2017, số tiền sử dụng đất thu được là xấp xỉ 127.000 tỷ đồng, còn tiền thuê đất khoảng 27.000 tỷ đồng.

“Cơ cấu thu từ đất có điều đáng mừng là xu hướng tiền thuê đất tăng dần qua các năm với tỷ trọng cao, dần điều chỉnh thị trường liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất”, ông Thịnh nói.

Đất công bị sử dụng lãng phí

Về vấn đề sử dụng tài sản công một cách lãng phí ở nhiều địa phương trên cả nước gây bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng, huy động khai thác sử dụng tiết kiệm có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Thịnh, để đạt được mục tiêu của Luật, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra những quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục thực hiện các nội dung trong quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (mua sắm, thuê tài sản, sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại); quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản công.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, có nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp sử dụng tài sản công để kinh doanh, hoặc cho thuê để kinh doanh, dẫn đến nhiều trường hợp đất công bị "xẻ thịt", điển hình là các công viên, bảo tàng kinh doanh thêm cả quán cà phê, nhà hàng, bể bơi. Tài sản công bị biến tướng mục đích sử dụng, chưa kể, có nhiều trường hợp đất công chuyển nhượng không qua đấu giá dẫn đến thất thoát tài sản công.

"Do đó, việc xử lý bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch”,  ông Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh.

Đối với những trường hợp đất công bị sử dụng lãng phí, ông Nguyễn Tân Thịnh cho rằng, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản công chỉ được sử dụng kinh doanh khi tài sản đó được giao thực hiện nhiệm vụ nhà nước nhưng chưa sử dụng hết công suất; sử dụng tài sản công đảm bảo đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm và công năng cũng như chức năng nhiệm vụ được giao của đơn vị.

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi cho các Bộ, cơ quan trung ương để báo cáo tình hình sử dụng đối với nhà khách, văn phòng 2 của bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn TP.HCM. Hiện nay, các bộ đang gửi báo cáo về Bộ Tài chính. Dự kiến trong tháng 5/2018, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng phương án xử lý nhà, đất công của các văn phòng đại diện Bộ, cơ quan Trung ương trên địa bàn TP.HCM, để giải quyết các vấn đề nóng về sử dụng đất công tại đây”, ông Thịnh cho biết./.