Thời gian gần đây, các ngân hàng hỗ trợ ngư dân 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá, đang gặp nhiều khó khăn khi thu hồi nợ.
4 năm trước, ông Trương Văn Công ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đóng mới chiếc tàu cá vỏ thép PY- 99997TS với tổng vốn đầu tư gần 19 tỷ đồng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh tỉnh Phú Yên cho vay ưu đãi đến 95% giá trị con tàu, phần còn lại của ngư dân. Thời gian qua, chiếc tàu này liên tục ra khơi, chủ tàu vẫn trả lãi ngân hàng nhưng không đều đặn và không đúng theo hợp đồng đã ký kết.
“Vay vốn hiện nay thì tôi thấy khả năng trả nợ có khoảng 50% thôi. Tại vì chi phí thì cao mà thu nhập hàng năm thì cạn kiệt. Một năm tôi trả 1,4 tỷ đồng nhưng mà mỗi năm chỉ trả được khoảng 700 - 800 triệu đồng, chứ trả 1,4 tỷ thì không cách nào trả nổi” - ông Trương Văn Công phân bua.
Nhiều tàu cá tại tỉnh Khánh Hòa không trả được nợ vay đóng tàu theo Nghị định 67. |
Đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã ký 24 hợp đồng tín dụng cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản với số tiền giải ngân hơn 280 tỷ đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng mới thu nợ được hơn 10 tỷ đồng, nợ xấu lên gần 31 tỷ đồng.
Ngoài những tàu làm ăn thua lỗ, hiện vẫn còn tình trạng các chủ tàu cá cho bán hải sản ngay trên biển hoặc tại cảng cá ở các tỉnh bạn. Vì vậy, rất khó cho địa phương trong việc xác định hiệu quả hoạt động và khả năng trả nợ của các đối tượng vay vốn ngân hàng.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ tham khảo một số địa phương khác tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp mạnh đối với những trường hợp vắng, không về các cảng tại địa phương trong thời gian dài.”
Thông qua nhật ký khai thác, sản lượng cập bến, tỉnh Khánh Hòa sẽ đánh giá năng lực, hiệu quả của từng tàu cá. |
Trong khi đó, tại làng biển Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ông Mai Thành Phúc, chủ tàu cá KH - 99146TS cũng vừa nhận được giấy triệu tập của Tòa án Nhân dân thành phố Nha Trang về việc Ngân hàng BIDV - Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa khởi kiện ông chậm trả nợ.
4 năm trước, ông Phúc vay ngân hàng 4,4 tỷ đồng để đóng con tàu này. Khi đó, ông rất tự tin vào phương án làm ăn cũng như việc trả nợ vì khai thác cá ngừ đại dương có hiệu quả. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, tàu của ông đi cả 5 chuyến biển đều thua lỗ, không có tiền trả nợ, các khoản vay bị xếp vào nợ xấu, ngân hàng khởi kiện ra tòa.
“Ngân hàng khởi kiện thì ngư dân chúng tôi sẵn sàng thôi, vì đây là trách nhiệm và bổn phận của người vay. Bây giờ, ngư dân vay thì phải trả. Kẹt nỗi, chúng tôi không phải muốn là chây ì nhưng vì cuộc sống khó khăn lắm. Ngân hàng cứ đi tìm hiểu cho rõ ràng, tôi nộp toàn bộ hồ sơ, nhật ký khai thác, bao nhiêu con, nó có sẵn trong đó” - ông Mai Thành Phúc lo lắng.
Đến thời điểm này, tại tỉnh Khánh Hòa, nợ xấu của 12 chủ tàu 67 đã lên hơn 100 tỷ đồng. Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại đánh giá chính xác năng lực tài chính của từng chủ tàu. Qua đó, quan tâm tạo điều kiện cho những chủ tàu thật sự khó khăn để họ tiếp tục khai thác và trả nợ; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với những chủ tàu cá cố tình chây ì, không trả nợ vay ngân hàng. Các ngân hàng đã khởi kiện 5 chủ tàu và tiếp tục khởi kiện 5 chủ tàu phát sinh nợ xấu.
“Trong năm 2019, các ngân hàng sẽ căn cứ vào các trường hợp cụ thể, cơ cấu lại các khoản nợ vay theo đúng quy định. Việc chuyển đổi chủ tàu theo Nghị định 17 thì đối với các ngân hàng thương mại sẽ làm việc với các chủ tàu không còn khả năng trả nợ, bàn giao lại tàu cho chủ tàu mới, hoặc chủ tàu cũ tổ chức cơ chế để chuyển đổi chủ tàu theo trình tự quy định để tiếp tục khai thác” - ông Võ Nam Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa nói./.
Khó thu hồi nợ khi triển khai Nghị định 67
Gia tăng nợ xấu từ chương trình vay vốn tàu đóng tàu theo Nghị định 67