Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 đã đặt ra 2 mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực. Mục tiêu thứ nhất là 50% cơ sở giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT; Mục tiêu thứ hai là 1 triệu lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Báo cáo Đào tạo TMĐT tại các trường Đại học 2022 (bao gồm các lĩnh vực như công tác giảng dạy, giáo trình, trang thiết bị, việc kết hợp với các DN để đảm bảo “đầu ra” có việc làm…), được Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) công bố ngày 24/8 cho thấy, kết quả khảo sát tình hình đào tạo TMĐT tại 132 trường Đại học trong cả nước năm 2022 đã chỉ ra nhu cầu nhân lực của ngành TMĐT rất lớn, dẫn đến xu hướng các trường Đại học đào tạo ngành này tăng nhanh.
Cụ thể, nếu như trước năm 2016 mới có khoảng 23% các trường có đào tạo TMĐT, sang năm 2020 đã tăng lên 49% và chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ này đã tăng tới 28%. Nội cung các học phần được các trường Đại học đào tạo chủ yếu về Marketing số, thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến, chuỗi cung ứng logisics… Trong số 132 trường được khảo sát, đã có 36 trường đào tạo TMĐT trình độ Đại học, 36 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT và 53 trường đào tạo môn TMĐT.
Theo Phó Chủ tịch VECOM Bùi Trung Kiên, khảo sát cho thấy việc tuyển sinh TMĐT tại các trường Đại học hoàn toàn thuận lợi, thu hút được sinh viên đầu vào chất lượng khá với điểm chuẩn tuyển sinh tương đối cao. “Nhiều sinh viên tìm được việc làm khi chưa tốt nghiệp và phần lớn sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo sau khi ra trường với mức lương hấp dẫn”, ông Kiên cho hay.
Mặc dù nhu cầu đào tạo tăng trưởng nhanh, khả năng đáp ứng của các trường Đại học đã đáp ứng được một phần nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này. Song một trong những thách thức lớn nhất của vấn đề đào tạo TMĐT tại các trường Đại học hiện nay chính là đội ngũ giảng viên “vừa thiếu, vừa yếu”.
Điều này rất dễ lý giải bởi do tốc độ phát triển của ngành TMĐT quá nhanh, dẫn tới quy mô và quy trình đào tạo cũng phải bắt kịp để đáp ứng yêu cầu. Nhưng hiện số lượng giảng viên chỉ đủ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu, có nhiều trường còn chưa đủ giáo viên, hoặc đủ nhưng so với nhu cầu đào tạo vẫn chưa đáp ứng được.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Hội đồng Tư vấn cấp cao về TMĐT, hiện nay đa số các trường Đại học chưa đủ học liệu phục vụ cho đào tạo TMĐT nên chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập. “Có tới 67% các trường Đại học sử dụng giáo trình của nước ngoài. Việc hợp tác trong đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức, dù là hợp tác giữa các trường Đại học, giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hay giữa nhà trường với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Hưng chỉ rõ.
Chính vì thế, để đạt được mục tiêu 50% cơ sở giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, ông ông Nguyễn Thành Hưng cho rằng các trường Đại học hơn lúc nào hết cần chú trọng tới vấn đề đào tạo đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng.
Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2020 và 2022 đã nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT tại hàng triệu DN vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của TMĐT nước ta trong giai đoạn tới. Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao chính là các trường Đại học.
Các chuyên gia cho rằng, để làm nhanh và tốt việc này cần thiết thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT để bồi dưỡng giảng viên, chia sẻ phương pháp giảng dạy, nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu TMĐT tử; đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành; kết nối doanh nghiệp…/.