Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) diễn ra tại Hà Nội vào chiều 24/8, ông Lê Văn Chính – Phó Phòng KHTN (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết, qua khảo sát các trận động đất ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum từ 3/2021 đến nay thì mức độ động đất chưa ở mức độ nghiêm trọng.
“Nguyên nhân xảy ra tình trạng động đất liên tiếp gần đây ở khu vực này do động đất kích thích bởi các công trình hồ chứa. Một khó khăn là hiện chưa có đánh giá chi tiết liên quan đến động đất kích thích tại khu vực này”, ông Lê Văn Chính cho hay.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Thế Truyền – Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng động đất xảy ra thường xuyên ở huyện Kon Plông (Kon Tum) và xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ là do động đất kích thích từ hồ chứa.
Theo ông Truyền, từ tháng 4/2021 đến nay, hệ thống mạng trạm quan trắc địa chấn quốc gia đã ghi nhận 267 trận động đất có độ lớn M từ 2.5 đến 4.7 độ richter. Trong đó, trận động đất lớn nhất ghi nhận được xảy ra vào 14h18 phút 4 giây (giờ Hà Nội) ngày 23/8/2022 có độ lớn 4.7 độ richter tại vị trí có tọa độ (14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Trận động đất đã gây ra hiện tượng chấn động trên diện rộng tại khu vực chấn tâm và khu vực lân cận.
“Động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận. Chưa thể khẳng định tương lai khu vực này có mức độ động đất tối đa là 5.5 độ richter, vì có thể cao hoặc thấp hơn”, ông Phạm Thế Truyền nhấn mạnh.
Để ứng phó với động đất, trước mắt Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 3 trạm quan sát động đất (máy móc thiết bị đặt tại các trạm này là của Viện Vật lý địa cầu cho mượn) tại khu vực huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), Tu Mơ Rông (Kon Tum) và Trạm biến áp thuộc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum (Kon Tum). Hiện 3 trạm quan sát động đất này đã cung cấp số liệu, thông tin về các dư chấn động đất tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đang tiến hành thiết lập bổ sung mới 5 trạm quan sát động đất tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, dự kiến hoàn thành 3 trạm trước 2/9/2022; Viện Vật lý địa cầu. Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia: “Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất, đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phê duyệt thực hiện nhiệm vụ “Tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động do cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận”.
Để chủ động ứng phó với động đất, đại diện Viện Vật lý địa cầu đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum và UBND huyện Kon Plông làm cơ quan đầu mối phối hợp với Viện Vật lý địa cầu xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thảo tuyên truyền tại cấp tỉnh (cho các Sở, ngành, đơn vị liên quan) và tại cấp huyện (cho nhân dân, địa phương cấp xã).
Viện Vật lý địa cầu, kiến nghị tăng cường hệ thống mạng trạm quan trắc động đất, đặc biệt là khu vực có nguy cơ cao về xảy ra động đất (bao gồm cả động đất kiến tạo, và động đất kích thích); Tiến hành thực hiện phân vùng rủi ro động đất, sóng thần trên phạm vi quốc gia nhằm xây dựng chiến lược ứng phó và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai do động đất./.