Một nguồn tin từ Công ty Điện tử Samsung Vina cho biết, nhà máy điện thoại Samsung Thái Nguyên có vốn đăng ký 2 tỉ USD đã bắt đầu đi vào sản xuất sau gần một năm khởi công xây dựng và dự kiến chủ đầu tư sẽ tổ chức lễ khai trương nhà máy vào giữa năm nay.
Sản xuất tại nhà máy Samsung Thái Nguyên (Ảnh minh họa/VnEx) |
Theo nguồn tin này, nhà máy đã bắt đầu hoạt động sản xuất được 3 ngày. Trong thời gian đầu hoạt động, tổ hợp sản xuất Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) hiện có khoảng 5.000 công nhân với công suất sản xuất khoảng 2 triệu sản phẩm/tháng và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 8-9 triệu sản phẩm/tháng vào quý IV năm nay với khoảng 15.000 lao động.
Nếu đúng theo kế hoạch, dự án tổ hợp SEVT tại tỉnh Thái Nguyên này cũng có thể thu hút được 40.000-50.000 lao động vào làm việc vì công suất của dự án này tương đương với nhà máy Samsung ở Bắc Ninh - nơi công ty cũng đang có khoảng 43.000 lao động trực tiếp làm việc.
Với việc đưa dự án nhà máy mới vào hoạt động này, dự báo kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động của Samsung sẽ tiếp tục tăng cao sau khi Nhà máy điện thoại Samsung ở tỉnh Bắc Ninh mang về doanh thu xuất khẩu khoảng 23,9 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nguồn tin này cho biết, năm ngoái Samsung Bắc Ninh mang về giá trị gia tăng khoảng 7,6 tỉ USD.
Cũng giống như dự án Samsung ở Bắc Ninh, sự hiện diện của Samsung với tổ hợp điện thoại, điện tử lớn ở Thái Nguyên cũng đang thu hút nhiều nhà cung cấp phụ trợ của Samsung ở Hàn Quốc và một số nước lân cận đến đầu tư.
Samsung từng kỳ vọng sẽ có khoảng 200 nhà cung cấp cho hai dự án lớn tại Bắc Ninh và Thái Nguyên của mình. Hiện riêng nhà máy sản xuất Samsung ở Bắc Ninh đã có 52 nhà cung cấp. Tuy nhiên, theo nguồn tin trên chỉ có 4 doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam tham gia vào chuỗi cung cấp này cho Samsung. Số doanh nghiệp trong nước này cũng chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao.
Đa số các nhà cung cấp còn lại đến từ Hàn Quốc và những nước xung quanh hoặc một số công ty liên doanh giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê năm 2013 xuất khẩu điện thoại và linh kiện cả nước dẫn đầu các sản phẩm và ngành công nghiệp khác.
Giới phân tích dự báo kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay nhờ việc đưa vào hoạt động của nhà máy Samsung ở Thái Nguyên; và nhà máy của Nokia tại Bắc Ninh bắt đầu chạy toàn thời gian thay vì chỉ mới bắt đầu sản xuất vào tháng 10-2013.
Năm 2009, Samsung đã khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV), vốn đầu tư 670 triệu USD, tại Bắc Ninh. Sau đó, đã nâng vốn đầu tư lên lên 2,5 tỉ USD.
Vào tháng 3-2013, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã tổ chức khởi công xây dựng khu tổ hợp công nghệ cao tại Thái Nguyên trị giá 2 tỉ USD. Nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao này được xây dựng trên diện tích khoảng 100 ha.
Không chỉ đầu tư sản xuất với những sản phẩm điện thoại, máy tính bảng mới nhất, Samsung đang tỏ ra quyết tâm đầu tư lớn vào Việt Nam với những dự án lớn cả về vốn và công nghệ. Cụ thể, bên cạnh hai dự án nhà máy nói trên, dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch có vốn đầu tư 1,2 tỉ USD tại khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) của Công ty Samsung Electro - Mechanics thuộc Tập đoàn điện tử Samsung cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp này nhằm phục vụ cho khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) - nơi sẽ chuyên sản xuất các thiết bị di động gồm điện thoại di động, smart phone, máy tính bảng...
Dự án nhà máy vi mạch này (SEMCO) sẽ được đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Samsung Electro - Mechanics ở bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc.
Ngoài lĩnh vực điện tử, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết sắp tới, Tập đoàn Samsung có thể sẽ đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, lọc hóa dầu, sân bay… ở Việt Nam thông qua một biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác đầu tư và phát triển hạ tầng vừa được ký kết giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư và Công ty Samsung C&T (Samsung Xây dựng và Thương mại) vào cuối tháng 9 rồi.
Theo đó, các lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa các bên là các dự án nhà máy điện, đóng tàu, sân bay, các tổ hợp lọc hóa dầu, công nghệ thông tin - truyền thông công cộng… Trong thời gian qua, một số công ty trực thuộc Samsung hoạt động trong các lĩnh vực nói trên cũng có những cuộc xúc tiến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam./.