Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, hiện có khoảng 150 xe container với khoảng 3.000 tấn thanh long xuất sang Trung Quốc đang nằm chờ thông quan ở cửa khẩu. Dù ngày 3/2, cửa khẩu Hữu Nghị đã mở nhưng chưa giải quyết được số hàng tồn do không có hợp đồng tiêu thụ, sức mua ở các chợ đầu mối bên Trung Quốc giảm, trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ đóng cửa.

Nếu có giao thương sang nước bạn thì cũng phải yêu cầu lái xe cách ly 14 ngày để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh nên các chủ hàng, lái xe chưa thống nhất việc này.

thanh_long_vov_yrqc_bxcu.jpg
UBND tỉnh Bình Thuận đã họp khẩn tìm đầu ra cho trái thanh long.

Trước thực tế đó, Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở Công thương Bình Thuận phối hợp đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa; vận động doanh nghiệp dự trữ hàng đông lạnh, tăng cường chế biến nhằm giảm áp lực tiêu thụ trái tươi và tăng cường xuất khẩu sang thị trường các nước khác. Đồng thời, vận động nông dân hạn chế chong đèn trái vụ thời điểm này.

Được biết, hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 170 doanh nghiệp và cơ sở thu mua thanh long với khoảng 120 kho hàng có sức chứa 7.000 tấn; 8 cơ sở chế biến các sản phẩm từ trái thanh long.

Tuy nhiên, tổng công suất của tất cả các nhà máy, cơ sở tiêu thụ thanh long tươi thấp, nếu hỗ trợ mở rộng nhà máy, mua bồn chứa thì sẽ tăng công suất lên khoảng 700 tấn trái tươi/ngày. Trong khi từ nay đến cuối tháng 2, gần 100.000 tấn thanh long trên toàn tỉnh sẽ phải thu hoạch./.