Đây là kết quả của cuộc khảo sát về tiền lương, thưởng Tết tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện. Cuộc khảo sát được thực hiện tại 13.189 doanh nghiệp với trên 2,5 triệu lao động.

nguoi_lao_dong_jpdw.jpgHàng nghìn người lao động bị nợ lương trong năm 2014
Theo kết quả khảo sát, so với năm 2012 và 2013 thì số doanh nghiệp, số lao động và số tiền lương nợ người lao động có thấp hơn, tuy nhiên số địa phương có doanh nghiệp nợ lương người lao động tăng từ 17 tỉnh, thành phố năm 2012 lên 22 tỉnh, thành phố năm 2013 và 31 tỉnh thành phố năm 2014.

Để khắc phục tình trạng nợ lương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện các nội dung của Bộ Luật Lao động về tiền lương quy định điều chỉnh mức lương tối thiểu, xây dựng thang, bảng lương, chế tài xử lý vi phạm về trả lương chậm, trả lương không đúng quy định... Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Luật phá sản sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015 về quy định trình tự giải quyết các khoản nợ lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động…

Không chỉ nợ lương, theo kết quả khảo sát, có 420 doanh nghiệp (chiếm khoảng 3,2% doanh nghiệp được khảo sát) với 118.000 lao động không có hoặc chưa có phương án thưởng Tết Nguyên đán Ất mùi. Khoảng 2.600 doanh nghiệp (chiếm khoảng 20% doanh nghiệp khảo sát) với hơn 675.000 lao động không có thưởng Tết Dương lịch năm 2015.

Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết những doanh nghiệp nợ lương người lao động hoặc không có khả năng thưởng Tết là những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hoặc đã tạm dừng sản xuất, chờ thực hiện thủ tục giải thể, phá sản nên việc giải quyết nợ lương ở các doanh nghiệp này hiện nay khá khó khăn./.