Sáng 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phá sản (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành.
Theo đó, Luật phá sản được áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập trên đất nước Việt Nam. Khi chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn ba tháng (kể từ ngày khoản nợ đến hạn) mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Tương tự, người lao động, công đoàn cũng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã nợ lương và các khoản nghĩa vụ khác trong thời hạn nêu trên.
Luật Phá sản (sửa đổi) gồm 9 Chương, 133 Điều, quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Đối tượng áp dụng của Luật là các doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và việc sửa đổi Luật phá sản; góp phần quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, hợp tác xã…
Dự kiến, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015./.