Từ năm 2008, anh Đinh Văn Xoay ở xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã trồng xen 1 ha cây sa nhân tím (một loại thảo dược) dưới tán cây bời lời. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình anh có thêm thu nhập vài chục triệu đồng. Việc trồng xen này có nhiều lợi ích, vừa có tác dụng chống xói mòn, giữ ẩm cho đất, còn bời lời tạo bóng mát cho sa nhân phát triển. Nhờ vậy, trên một diện tích đất, gia đình anh Xoay có 2 nguồn thu nhập, kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt.
Anh Đinh Văn Xoay cho biết: “Tận dụng có cây bời lời, tôi trồng cây sa nhân, như vậy 2 bên cùng có lợi. Cây sa nhân không tốn nhiều chi phí, công sức nhiều như những cây công nghiệp khác. Cây nào chết, già thì chặt, phát bớt đi cho thoáng, nó lại mọc lại; 1 năm thu 2 đợt vào tháng 6 và tháng 8. Mỗi năm thu được 40 đến 50 triệu đồng. Từ khi có cây sa nhân, kinh tế gia đình ổn định hơn. Tôi sẽ gắn bó với loại cây này”.
Trước đây, gia đình anh Đinh Văn Hdăn ở xã Sơn Lang có hơn 1,5 ha cà phê và hơn 2 ha bời lời đỏ, nhưng đời sống vẫn còn chật vật. Sau 3 năm trồng xen sa nhân tím dưới tán bời lời và cà phê, kinh tế gia đình có nhiều khởi sắc, vì có thêm nguồn thu nhập 100 triệu đồng. Không chỉ lo đủ cho 2 con đang học chuyên nghiệp ở Huế, mà còn mua thêm nhiều công cụ sản xuất và vật dụng gia đình.
Anh Đinh Văn Hdăn nói: “Sa nhân của người địa phương năng suất thấp hơn, sa nhân tím bây giờ năng suất cao, lại được giá hơn. So với làm cái khác thì trồng cây này nhàn, bởi vì trồng xong chỉ cần chăm sóc 2 đến 3 lần. Năm nay gia đình tôi trồng thêm 1 ha, sang năm tới sẽ trồng thêm 1 đến 2 ha sa nhân tím”.
Cây sa nhân tím được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ đưa vào trồng thử nghiệm ở xã Sơn Lang, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai từ năm 2008. Với 3 ha ban đầu, cây sa nhân tím rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Mặt khác, sa nhân tím dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, nên được bà con địa phương trồng dưới tán cây rừng hoặc tán bời lời đỏ. Với giá bán hiện nay khoảng 25.000 đồng/1 kg hạt tươi, 120.000 đồng/1kg hạt khô, sa nhân tím đã góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả tại địa phương.
Ông Dương Quốc Điệp, Phó Chủ tịch xã Sơn Lang, huyện K’Bang cho biết: “Cây sa nhân tím phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, đem lại thu nhập ổn định. Cây trồng này phù hợp với trình độ canh tác của người Ba Na, đem lại thu nhập ổn định, giảm nghèo cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, theo giá của tư thương, 1 ha thu được 60 đến 70 triệu đồng. Năm 2015, xã có chủ trương tiếp tục trồng nhân rộng 17 ha xen cây bời lời đỏ. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng ra toàn xã”.
Với những ưu điểm nổi bật về hiệu quả kinh tế và đặc tính canh tác, sa nhân tím hứa hẹn là loại cây trồng mới, có khả năng giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai vươn lên thoát nghèo./.