Những ngày vừa qua, các cây xăng tại ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Gia Lâm.... bên cạnh nhiều cây xăng hoạt động ổn định thì cũng không ít cây xăng hoạt động cầm chừng.

Một số người dân cho rằng, trước đây vào cây xăng nào cũng mua được nhưng bây giờ phải vào cây của Petrolimex mới mua được, các cây khác không mua được vì toàn đóng cửa. Quá bất tiện, nhiều khi cần xăng nhưng phải đi cố đến 2 ngày, không biết lúc nào hết xăng.

Một số người thì bày tỏ, không biết tại sao lại có tình trạng này, như mọi người nói thì khả năng lại “om” xăng dầu để chuẩn bị cho đợt tăng giá xăng sắp tới.

“Đổ cây xăng Petrolimex gần nhà bị giới hạn lượt mua từ 30.000- 50.000 đồng chứ không thể đổ được đầy bình, còn những cây xăng khác thì đóng cửa”.

Do nhiều cây xăng tư nhân hết hàng, đóng cửa nên người dân đổ dồn về những cây xăng của Petrolimex, tuy nhiên, có người phải đợi 30 phút đến 40 phút mới tới lượt: “Quá lâu, có khi đến tiếng đồng hồ mới đổ được xăng, chả hiểu như thế nào, làm cho người dân bất tiện. Đi ship hàng cần thời gian mà bây giờ cây xăng đóng cửa liên tục, dưới kia có đổ được đâu, lên đấy thấy mở, công việc đi lại rất khó khăn”.

Rất nhiều người dân bày tỏ, tỏ ra bực bội vì mất thời gian vì phải chờ đợi mà không biết kêu ai. Giờ chả biết kêu ai. Nhiều người cho rằng, "thà tăng giá, người dân cũng chấp nhận chứ đứng chờ như thế này mệt lắm".

Ghi nhận của phóng viên trong ngày hôm nay, nhiều cây xăng vẫn treo biển, dán thông báo hết xăng và vắng người bán hàng, tình trạng này diễn ra chủ yếu tại các cây xăng tư nhân. Nhiều người chạy khắp nơi mới tìm được chỗ đổ xăng: “Em đi mấy cây rồi đấy, cây xăng nào cũng đông nghịt”.

Một số khách mua xăng chia sẻ, mọi khi vào mua rất nhanh, chỉ khoảng vài phút, nhưng giờ xếp hàng dài, đi vài cây xăng, cây nào cũng đông. Không hiểu như thế nào chứ khoảng nửa tháng nay các cây xăng gần như lúc nào cũng đông như thế này. Tình hình mà kéo dài mất rất nhiều thời gian.

Hiện Việt Nam đã có hai nhà máy lọc dầu đáp ứng được tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước và chỉ phải nhập khẩu 20%, nhưng tình trạng hết xăng khiến người đặt câu hỏi "xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả"?