Cây cà phê từng được xem là cây trồng chủ lực mang lại cuộc sống ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thế nhưng từ ngày Nông trường cà phê A Lưới giải thể, người trồng cà phê ở đây rơi vào cảnh lao đao.

vov_ca_phe1_plgn.jpg
Nhà máy chế biến cà phê tại xã Nhâm huyện A Lưới bỏ hoang gỉ sét từ nhiều năm nay
Vườn cà phê hơn 1 héc ta của gia đình ông Lê Như Tự, Thôn Pờ E, xã Nhâm, huyện A Lưới trồng từ năm 2000, theo hình thức nhận khoán chăm sóc cho Nông trường cà phê A Lưới và hưởng lợi sau khi thu hoạch. Trước đây, cây cà phê mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, vườn cà phê này bị bỏ hoang do cà phê rớt giá. Nông trường thua lỗ kéo dài dẫn tới phá sản, ông Tự chặt bỏ cây cà phê lấy đất trồng sắn và các loại cây khác. Cuộc sống ngày càng khó khăn.

Còn ở thôn A Hưa, xã Nhâm, khi nông trường này giải thể, đất đai bỏ hoang, ông Hồ Văn Nia cùng nhiều người khác trồng các loại cây ngắn ngày để kiếm thêm nguồn thu.

Cây cà phê không hiệu quả nên người dân ở xã Nhâm, huyện A Lưới chặt bỏ và chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác
Xã Nhâm là địa phương có vùng nguyên liệu cà phê lớn nhất huyện A Lưới, với tổng diện tích gần 500 hec ta, trong đó có hơn 200 ha cà phê của Nông trường A Lưới giao cho người dân chăm sóc và hưởng lợi. Đến nay, người dân không mấy mặn mà với cây cà phê; nhiều hộ lâm cảnh khó khăn vì những khoản vay mượn đổ xuống vườn cà phê mà thu chẳng được bao nhiêu...

Ông Phạm Minh Cải, Chủ tịch UBND xã Nhâm, huyện A Lưới cho biết, Công ty Vinacafe Quảng Trị phá sản, Nông trường A Lưới giải thể đã đẩy người dân rơi vào cảnh nợ nần.

Nhiều diện tích đất trước đây là vườn cà phê thuộc Nông trường cà phê A Lưới nay đã trở thành vườn sắn, vườn keo

Trên địa bàn huyện A Lưới, diện tích trồng cây cà phê chiếm hơn 900 ha, trong đó có 340 hec ta thuộc Nông trường A Lưới. Do kinh doanh thua lỗ kéo dài dẫn tới phá sản, cuối năm 2010, Tổng Công ty cà phê Việt Nam chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Vinacafé Quảng Trị ngừng đầu tư đối với diện tích cà phê tại Nông trường A Lưới.

Đến năm 2015, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị tuyên bố phá sản Công ty Vinacafe Quảng Trị. Sau khi công ty này phá sản, toàn bộ diện tích đất do dân ở các xã Nhâm, Hồng Thái, Hồng Bắc... góp vào quỹ đất trồng cây cà phê trước đó đều bị “kê biên” chờ thanh lý. Từ thất bại của một dự án trồng cà phê, hiện hàng trăm hộ dân tham gia trồng cà phê ở A Lưới thiếu đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết diện tích cà phê ở A Lưới đều bị người dân chặt bỏ thay thế bằng các loại cây trồng khác
Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hàng trăm ha đất trồng cà phê của người dân vẫn chưa được giải quyết. Hiện tại có đến 756 hộ nằm trong diện cần phải được tháo gỡ từ cà phê, từ đất trồng cà phê. Đến nay, khi nông trường cà phê đã giải thể, đất cà phê không phát triển được, nhưng những hộ nằm trong diện đó vẫn chưa được giải quyết.

Để xử lý “số phận” cây cà phê ở huyện miền núi A Lưới, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng giải quyết dứt điểm các thủ tục đã cho Nông trường cà phê A Lưới thuê đất trước đây, đồng thời giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân địa phương.

Nhiều hạng mục bên trong Nhà máy chế biến cà phê thuộc Nông trường cà phê A Lưới xuống cấp trong cảnh hoang tàn
Ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết sẽ tiến hành đo đạc lại diện tích đất trồng cà phê mà người dân tham gia dự án để chấm dứt hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất và trả lại đất cho người dân phát triển sản xuất.

Cây cà phê một thời được kỳ vọng là cây kinh tế chủ lực của huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có người gọi đây là cây xóa đói giảm nghèo. Vậy mà cây cà phê đã mang tới nhiều vị đắng cho người dân nơi đây./.