Trong khi những bước khởi đầu như quy hoạch nuôi, chế biến cá tra, tiêu chuẩn nuôi và quy định giá sàn còn chưa được triển khai thì các điều khoản như đăng ký hợp đồng xuất khẩu, điều kiện về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đã gây không ít khó khăn cho công việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Có nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 36 “đầu chưa xuôi sao vội bắt đuôi phải lọt”.
Trao đổi với PV VOV, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, Nghị định số 36 của Chính phủ gặp phải một số phản đối từ phía các doanh nghiệp do có nhiều quy định như đăng ký, vùng nguyên liệu nuôi cá tra, áp dụng VietGap hoặc hướng dẫn về sử dụng giá sàn,… đến ngày 20/6 vẫn chưa được thực hiện. Ngoài ra, việc chưa thực hiện được các khâu trước chế biến theo quy định của Nghị định cũng khiến các doanh nghiệp băn khoăn.
Cụ thể như vấn đề giá sàn, quy định về giá sàn được đưa ra nhằm khiến các doanh nghiệp mua cá của người nuôi cá tra với giá cao hơn hoặc bằng giá sàn. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có phương pháp cũng như chưa tính được giá sàn. Do đó, các doanh nghiệp phải làm theo hướng trước hết tiến hành quy hoạch, đăng ký nuôi, điều chỉnh sản lượng,.. trên cơ sở đó mới cấp mã số vùng nuôi, giấy đăng ký, giá sàn.
Hiện nay, Chính phủ vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Nghị định cũng như hướng dẫn về thu phí. Trong khi đó Hiệp hội Cá tra vẫn “treo nợ” việc thu phí, do vậy, các doanh nghiệp không nắm được rõ mình sẽ phải nộp phí bao nhiêu từ nay cho đến khi có thông tư hướng dẫn cụ thể. Đây cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn.
Theo quy định của Nghị định, hiện nay các doanh nghiệp mới chỉ nộp phiếu đăng ký về hợp đồng xuất khẩu. Các hồ sơ khác có liên quan thì chưa có cơ sở để nộp kèm. Ví dụ như đối với các doanh nghiệp sản xuất cá tự nuôi thì phải nộp kèm theo bản đăng ký nuôi cá, song hiện nay chưa thực hiện được do đang trong quá trình cấp mã số vùng nuôi, cũng như các vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký.
Điều này khiến các cơ quan chức năng khó có thể thẩm định, xác nhận đăng ký cho doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp lo ngại về rủi ro ách tắc trong quá trình đăng ký xuất khẩu.
Mặc dù có nhiều băn khoăn từ phía doanh nghiệp, song Nghị định số 36 đã bắt đầu có hiệu lực từ 20-6, thay vì lùi thời điểm đến năm 2015 như kiến nghị.
Về phía Hiệp hội Cá tra, ông Trương Đình Hòe đánh giá: “Phương pháp quản lý cũng như các hoạt động liên quan công tác quản lý cần có sự nối kết một cách đầy đủ và chặt chẽ. Nghị định số 36 của Chính phủ là cần thiết và hết sức quan trọng trong lúc này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nghị định cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp gia tăng giá trị xuất khẩu cho cá tra. Đây là việc cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố từ khâu nuôi, quản lý khâu nuôi đến khâu chế biến và xuất khẩu thì mới có thể hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ”.
Việc thực hiện Nghị định số 36 dẫu biết là một việc rất cần thiết, cần phải nhanh chóng tiến hành. Tuy nhiên, nếu không có lộ trình thích hợp hoặc không chuẩn về quy trình thì sẽ gây ra khó khăn, khiến doanh nghiệp không ổn định được về mặt tâm lý trong quá trình sản xuất./.