Tháo gỡ nút thắt huy động vốn

Theo ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng Phòng Nghiên cứu rủi ro tín dụng của FiinRatings (thuộc Fiin Group - công ty chuyên về dịch vụ thông tin phân tích tài chính và định mức tín nhiệm), với tình trạng dồn nén và chờ đợi định hướng chính sách trong nhiều tháng, Nghị định 65 sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng.

“Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của ngành đang rất yếu, thậm chí có những tháng chỉ có 1, 2 đợt phát hành của ngành, bởi vậy Nghị định 65 ra đời sẽ tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu”, đại diện FiinRatings nhận định.

Nghị định 65 có sửa đổi bổ sung những quy định nhằm đảm bảo sự phát triển của thị trường trong dài hạn, trong đó Điều 15 và Điều 16 bổ sung điều kiện doanh nghiệp chào bán riêng lẻ phải đăng ký lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (“VSD”) và đăng ký giao dịch trái phiếu đã phát hành trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán. Nghị định cũng ấn định thời gian vận hành của hệ thống lưu ký và giao dịch là giữa năm 2023.

“Đây là nỗ lực đúng đắn để quản lý hoạt động giao dịch TPDN riêng lẻ thành một thị trường giao dịch có tổ chức, có bài bản, từ đó, có thể kiểm soát được từ đầu đến cuối quy trình phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tập trung lưu ký tại VSD cũng sẽ giúp quản lý tốt hơn, nhất là trong công tác xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như đảm bảo quyền lợi của họ”, đại diện FiinRatings cho hay.

Bên cạnh đó, việc thành lập thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ lành mạnh hóa hoạt động phân phối TPDN, hạn chế các hành vi chào bán tràn lan, vi phạm quy định. Đây là phương án khả thi để cải thiện mức thanh khoản của thị trường hiện tại, khi FiinRatings ước tính sẽ có khoảng hơn 1,5 triệu tỷ VNĐ giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành vào thời điểm cuối năm 2023 sẽ được đưa vào hệ thống mới.

“Mặc dù vậy, dự báo mức tăng sẽ không quá cao do thiếu hụt nguồn cầu bởi các điều kiện chặt chẽ hơn trong việc xét nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Vì vậy, để phát triển lâu dài, thị trường vẫn nên ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp chào bán ra công chúng thay vì tập trung vào hình thức phát hành riêng lẻ”, ông Nguyễn Tùng Anh lưu ý.

Chưa thoát khỏi áp lực đảo nợ

Khác với các dự thảo trước đó, Nghị định 65 ban hành vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó (dựa trên khoản 2 Điều 5). Điều này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản vốn sở hữu nhiều công ty con, công ty liên kết để phát triển dự án.

Chỉ tính riêng ngành bất động sản đã chiếm 59% tổng giá trị đáo hạn, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tính riêng trong năm nay sẽ đạt 35.560 tỷ đồng và sẽ tăng mạnh lên mức 61.370 tỷ đồng vào năm 2023.

Có thể thấy, dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn.

“Các quý sắp tới dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay; dòng tiền chảy vào các công ty con đang bị kiểm soát bởi các thông tư do Ngân hàng Nhà nước ban hành là Thông tư 16/2021/TT-NHNN Quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Nghị định 65”, ông Nguyễn Tùng Anh lo ngại.

Bên cạnh đó, việc đáp ứng nghĩa vụ nợ sắp tới sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang, làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thâm dụng vốn nhưng gặp trở ngại tiếp cận dòng vốn tín dụng như bất động sản.

Ngoài các điều kiện trên, các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra thị trường sẽ chịu thêm nhiều ràng buộc khác về trách nhiệm công bố thông tin. Cụ thể, khoản 1 Điều 13 sửa đổi yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án phát hành cần bổ sung các chỉ tiêu tài chính trong 3 năm liền kề và sự thay đổi sau khi phát hành (nếu có), bao gồm tối thiểu 15 chỉ tiêu thay vì chỉ 5 chỉ tiêu ở Nghị định 153 trước đây.

Ngoài ra, Nghị định 65 có sửa đổi và bổ sung khoản 2 Điều 21, yêu cầu các doanh nghiệp phát hành phải báo cáo định kỳ 6 tháng, hằng năm với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ và được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện; báo cáo tình hình thực hiện các cam kết với người sở hữu trái phiếu.

Nghị định cũng đã sửa đổi Điều 8 về kiểm định tư cách nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch phải đạt giá trị bình quân tối thiểu 2 tỷ đồng trong thời gian tối thiểu 6 tháng liền kề, không bao gồm giá trị vay ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Kết quả xác nhận nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sẽ có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày xác định.

Theo đại diện FiinRatings, việc tính giá trị bình quân là nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, giúp họ vẫn linh hoạt được dòng vốn và danh mục đầu tư khi tham gia thị trường này. Tuy nhiên, Nghị định 65 chưa thể xử lý triệt để lỗ hổng pháp lý về vấn đề này, song điều khoản nghiêm ngặt chắc chắn sẽ khiến các hình thức “lách luật” trở nên khó khăn hơn, cùng với đó quy định tại Điều 6 nâng mệnh giá trái phiếu doanh nghiệp từ 100.000 đồng lên 100 triệu đồng cũng sẽ khiến cơ cấu nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới giảm đi nhiều so với thực tế hiện nay.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn trầm lắng kể từ đầu quý II đến nay sau sự kiện trái phiếu Tân Hoàng Minh, Nghị định 65 sẽ phần nào giúp giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, thị trường cần có đủ thời gian để làm quen với quy định và khẩn trương thực hiện các hoạt động phát hành nhằm đáp ứng nhu cầu vốn. Do đó, FiinRatings dự báo quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ chỉ tăng mạnh trở lại kể từ năm sau, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.

Với các quy định hồ sơ chào bán và phương thức phát hành chặt chẽ hơn trước rất nhiều, FiinRatings cho rằng chỉ những doanh nghiệp có năng lực và hồ sơ minh bạch, Bởi vậy, vẫn sẽ có hiện tượng doanh nghiệp khó khăn trong việc cơ cấu lại nợ và dẫn đến mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, đây là vấn đề thị trường và thông lệ quốc tế mà thị trường Việt Nam cần phải chấp nhận để phát triển lành mạnh và bền vững./.