“Phát hành trái phiếu doanh nghiệp không tăng điều kiện, chỉ tăng giám sát thực hiện công khai minh bạch của thị trường”, đây là thông điệp được đưa ra tại họp báo chuyên đề về các quy định mới đáng chú ý trong Nghị định số 65 năm 2022 của Chính phủ về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Cuộc họp báo do Bộ Tài chính tổ chức chiều 19/9 tại Hà Nội.

Ngày 16/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻtại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế.

Nghị định số 65 được xây dựng theo nguyên tắc tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, Nghị định số 65 bổ sung các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua.

Nghị định số 65 cũng tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng, Bộ Tài chính nhấn mạnh, tinh thần chung là không thắt chặt các điều kiện phát hành, chỉ tăng cường các quy định giám sát đã có để ngăn ngừa những hành vi xấu trên thị trường.

“Nghị định 65 không có thêm các điều kiện mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các quy định chỉ phục vụ cho thị trường trong thời gian tới minh bạch hơn, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, bảo vệ cả quyền lợi của doanh nghiệp phát hành một cách rõ ràng hơn về chính sách. Do đó, đối với những doanh nghiệp công khai thông tin ở mức độ cao, những doanh nghiệp là các công ty đại chúng thường xuyên công bố thông tin trên thị trường, những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, công bố thông tin tốt vẫn tiếp tục huy động được vốn trên thị trường", ông Dương giải thích./.

Nghị định 65/2022 có 6 nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản đáng chú ý so với Nghị định 153/2020 về Điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán; Yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành; Nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư; Bổ sung quy định nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ; Bổ sung quy định để thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức; Hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý, giám sát phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp./.