Học sinh đông, cơ sở vật chất không đảm bảo
Tại TP.HCM, “chương trình giáo dục phổ thông 2018” triển khai được 3 năm. Một trong những yêu cầu khi triển khai chương trình là tổ chức học 2 buổi/ngày, nhất là với bậc tiểu học. Thế nhưng, trong điều kiện dân số cơ học ngày một tăng, dẫn đến việc thành phố vẫn ở trong tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên và thiếu thiết bị dạy học. Đặc biệt là tại các quận, huyện như: Quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh,…
Tại quận Tân Phú những năm gần đây, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày có tăng lên nhưng vẫn đang rất thấp, cụ thể bậc tiểu học chỉ đạt 27,5%, bậc THCS đạt hơn 33%. Hiện chỉ có 8/17 trường tiểu học đảm bảo 100% học sinh lớp 1, lớp 2 được học 2 buổi/ngày.
Tương tự, tại quận Bình Tân, năm học 2022-2023 tăng hơn 9.000 học sinh, chủ yếu ở bậc mầm non và THCS. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, dù học sinh tăng khá cao nhưng quận Bình Tân vẫn đảm bảo đủ chỗ học. Khó khăn hiện nay của quận là không đảm bảo được việc dạy 2 buổi/ngày.
"Địa bàn quận Bình Tân dân nhập cư rất đông, một năm dân nhập cư cơ học khối công lập tăng khoảng 4.000-5.000, ngoài công lập cũng ở mức đó. Đây là một bài toán khó dẫn đến tình hình thực hiện chương trình phổ thông 2018 không thể nào tổ chức ở khối 1,2,3 100% bán trú 2 buổi/ngày, khối 6 và 7 cũng như vậy", ông Ngô Văn Tuyên chia sẻ.
Còn bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng trường THCS Gò Vấp cho biết, nhà trường đang thiếu giáo viên các môn như: Ngữ Văn, Lịch sử, Âm nhạc, Thể dục. Giáo viên được phân công giảng dạy môn tích hợp cũng như các nội dung, hoạt động giáo dục mới gồm hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, giáo dục địa phương gặp nhiều khó khăn do chưa được đào tạo bài bản, chính quy dù được tập huấn. Bên cạnh đó, trung bình một lớp học của trường rơi vào khoảng 48 em/lớp. Học sinh đông nên cơ sở vật chất của trường chưa đủ khả năng đáp ứng.
Bà Hoàng Thị Thu cho biết thêm: “Cơ sở vật chất khá chật hẹp chưa đảm bảo sân chơi để tổ chức các hoạt động tập thể cho học sinh, do được xây dựng rất nhiều năm, khá cũ, do vậy mà môi trường học tập của học sinh một phần nào đó cũng hạn chế".
Chưa đủ nhân sự, giáo viên áp lực
Việc dạy các môn ở chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là cấp THCS khi có những môn tích hợp thay vì đơn môn như trước đây cũng khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn và lúng túng. Một giáo viên dạy lịch sử giờ đây phải kiêm thêm dạy địa lý nếu như trường học không đủ giáo viên để chia theo nội dung bài học yêu cầu. Hoặc những môn thuộc nhóm khoa học tự nhiên như: Vật lý – Hóa học – Sinh học, giáo viên phải chia nhau để dạy sao cho phù hợp với thời lượng yêu cầu. Thậm chí giáo viên Lịch sử, Địa lý còn kiêm thêm soạn giáo án phần giáo dục địa phương,…Nhiều giáo viên cho rằng, dù rất nỗ lực bồi dưỡng kiến thức nhưng khi đứng lớp vẫn chưa cảm thấy yên tâm vì kiến thức chưa nhiều.
Về vấn đề này, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp cho rằng, việc thiết kế chương trình hiện nay đang làm khó cho giáo viên, khi ở cấp THCS lại gộp thành nhóm môn, nhưng khi các em chuyển sang cấp THPT thì lại tách riêng từng môn. Trong khi đó nguồn giáo viên để dạy chương trình mới vẫn chưa có.
Ông Thanh nói thêm: “Giáo viên phải biết 10, dạy 1, nhưng nếu chỉ biết 2 dạy 1 thì chưa yên tâm lắm. Nếu các em hỏi mình vẫn chấp nhận để hỏi lại đồng nghiệp giải thích cho các em chứ tuyệt đối không được trả lời theo kiểu cho qua".
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoài tình trạng chưa đảm bảo việc dạy học 2 buổi/ngày ở một số địa phương, tình trạng thiếu giáo viên thì cơ sở vật chất một số trường thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình. Nhiều trường có diện tích nhỏ hẹp, thiếu phòng bộ môn, thiết bị học,…Việc tuyển dụng giáo viên thực hiện chậm dẫn đến một số trường thiếu giáo viên ở các môn như tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật.
Để giải quyết những khó khăn trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng đã chủ động, bồi dưỡng cho giáo viên ở một số bộ môn mới, thực hiện các khóa bồi dưỡng chuyên môn thêm, làm việc với các đơn vị đào tạo bồi dưỡng giáo viên để có lộ trình bổ sung giáo viên, đặc biệt là những bộ môn mới.
Ông Quốc nói: “Trong đó cũng sẽ tiếp tục tham mưu với sở nội vụ các cơ chế tuyển dụng như thế nào để đảm bảo giáo viên từng bước đáp ứng đủ việc triển khai chương trình".
Hiện tại, TP.HCM cũng đã làm việc với Đại học Sư phạm TP.HCM và Đại học Sài Gòn để đào tạo giáo viên cho chương trình mới. Theo lộ trình đào tạo, lứa sinh viên này sẽ tốt nghiệp vào năm 2023 góp phần giảm tải tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn của chương trình mới hiện nay./.