Tập trung thị trường trong nước và xuất khẩu online

Sau thời gian dịch Covid-19, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) chỉ bán được 1 tạ chè, số lượng có tăng dần nhưng vẫn ở mức thấp. Trước đây, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc bán ra thị trường 1 tấn chè búp khô.

“Thời gian Covid-19, các hoạt động lễ hội, nhà hàng, quán ăn… đã tạm dừng hoạt động, sau khi được hoạt động trở lại lượng tiêu thụ tăng lên nhưng không bằng trước đây, những hợp đồng lớn xuất khẩu chè sang Ba Lan đã bị hủy do dịch” - ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc nói.

Giá chè sau cũng bị giảm từ 250.000 đồng/kg nay xuống còn 160.000 đồng/kg mà lượng tiêu thụ cũng chậm.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu chè của Thái Nguyên sang các thị trường Đức, Mỹ, Ba Lan… cũng đã bị dừng, hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều đơn vị phân phối của Công ty thời điểm này không nhập hàng do không tiêu thụ được.

Trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tìm các kênh bán lẻ khác như tiếp thị đến các hệ thống siêu thị trong nước, chú trọng hơn vào thị trường nội địa giảm sự phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu truyền thống. Hình thực bán online cũng được các đơn vị kinh doanh thực hiện đối với cả trong nước và xuất khẩu.

Phát triển chè hữu cơ đạt chuẩn organic

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm từ chè, tỉnh Thái Nguyên đã sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, sản xuất chè hữu cơ đạt chuẩn organic, cho ra các sản phẩm trà chất lượng cao.

Người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với quy trình sản xuất thân thiện môi trường, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè hữu cơ song song với VietGAP.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Tại Thái Nguyên, hầu hết diện tích chè được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn. Nhiều hợp tác xã đã dần chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè hữu cơ. Đến nay diện tích chè áp dụng sản xuất hữu cơ đạt khoảng 110 ha trên tổng số gần 22.400ha chè toàn tỉnh”.

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè của toàn tỉnh đạt 24.000 ha. Trong đó, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ.

Cùng với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm chè xanh truyền thống, Thái Nguyên tập trung đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến đa dạng hóa các sản phẩm chè và các sản phẩm có nguồn gốc từ chè như các loại đồ uống, bánh, kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ngành chè sẽ xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị để mở rộng thị trường tiêu thụ; phát triển chè với văn hóa, du lịch trải nghiệm, thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho phát triển chè và tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cùng cây chè./.