Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam thông báo tin này trong tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2007-2008 và đề ra một số vấn đề cần quan tâm đến niên vụ cà phê 2008-2009, được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/10.

Hiện nay, cả nước có khoảng 520.000ha cà phê. Thị trường nhập khẩu cà phê nhân sống của Việt Nam được mở rộng sang 75 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, các nước mua nhiều cà phê Việt Nam là Đức, Hoa Kỳ, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh. 

Tuy nhiên, Việt Nam ít xuất khẩu mặt hàng cà phê chế biến (cà phê hòa tan, cà phê rang xay, cà phê 3 trong 1) mà chủ yếu vẫn tiêu thụ nội địa. Cà phê chế biến được đưa sang thị trường Canada, Đức, Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc.Mặc dù là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, hằng năm một số công ty cũng nhập cà phê theo nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh. Trong 8 tháng đầu năm 2008, cả nước đã nhập 7,3 triệu USD cà phê từ 15 thị trường trên thế giới, nhiều nhất là Lào, Trung Quốc, Singapore, Nicaragoa, Thụy Sĩ...

Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam nhận định, hiện tình hình sâu bệnh hại cà phê không có gì đáng lo ngại, năng suất cà phê arabica một số vùng ở Tây Nguyên có giảm so với vụ trước do mưa sớm, việc thu hái chế biến được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sản lượng vụ cà phê 2008-2009 ước vào khoảng trên dưới 1 triệu tấn (tương đương vụ cà phê 2007-2008). 

Hiệp hội đã đưa ra một số vấn đề cần quan tâm trong sản xuất và chế biến cà phê trước tình hình thị trường thế giới đang biến động phức tạp như áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM) và thực hành chế biến tốt (GMP); tìm biện pháp hạ giá thành sản xuất thông qua việc bón phân hợp lý, tưới nước hợp lý.

Hiệp hội cũng đặt mục tiêu mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng, đặc biệt quan tâm về yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời kiến nghị với Chính phủ có chính sách ưu tiên vốn và lãi suất hợp lý cho ngành cà phê trong niên vụ 2008-2009./.