Tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018
Số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018 đạt 3,76%. Điều này khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Mặt khác, giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.
Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018. Ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46% và ngành lâm nghiệp tăng 6,01%.
Tăng trưởng nông, lâm và thuỷ sản năm 2018 cao nhất trong giai đoạn 2012-2018. |
Cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi, tăng tỷ trọng các sản phẩm có lợi thế và thị trường như: thuỷ sản, rau, hoa, quả nhiệt đới, một số loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ… Bên cạnh đó, giảm các sản phẩm có xu hướng tăng cung, tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, sự thành công của ngành nông nghiệp năm 2018 là do chúng ta đã xác định xuất khẩu nông sản là một trong những mũi nhọn kinh tế. Trong những năm gần đây, việc tái cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là hướng đến các sản phẩm có giá trị, chất lượng cao. Sản xuất nông nghiệp hàng hoá tổ chức hướng tới mục tiêu xuất khẩu đã tạo cho nông sản Việt những thuận lợi cơ bản.
“Chúng ta có những lợi thế tự nhiên cũng như lợi thế về sản xuất nông nghiệp, việc xuất khẩu nông sản đạt được kết quả cao cả về quy mô, kim ngạch và giá trị gia tăng. Tuy nhiên, vẫn cần chú trọng đến những sản phẩm nông sản chất lượng cao để gia tăng hơn nữa giá trị xuất khẩu” - ông Vũ Đình Ánh nói.
Năm thành công của nền nông nghiệp. |
Vị trí cường quốc xuất khẩu nông sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước tính trong cả năm 2018 sẽ đạt 40,5 tỉ USD. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới và đã xuất sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong năm 2018, thị phần xuất khẩu được đảm bảo và mở rộng. 5 thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc tăng trưởng tốt, chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (giá trị tăng 3,6% so với năm 2017), 17,9% (tăng 9,4%), 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%).
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng. Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu lũy kế 11 tháng đầu năm nay ước đạt 5,7 triệu tấn, đem về 2,9 tỉ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Rau quả với giá trị xuất khẩu 11 tháng năm 2018 ước đạt 3,5 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017, cá tra đạt kỉ lục trên 2 tỉ USD tăng 27,4%.
Mặc dù vậy thị trường nông sản thế giới năm 2018 cũng có khó khăn cản trở kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng trưởng 2 con số. Sự sút giảm về giá các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu trong khi nhu cầu giảm hoặc tăng trưởng chậm. Các mặt hàng chủ lực là cà phê, điều và cao su dù bị giảm giá nhưng nhờ tăng số lượng xuất khẩu nên vẫn duy trì mức tăng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê 11 tháng ước đạt 3,3 tỷ USD, hạt điều 2,25 tỷ USD và cao su đạt 1,87 tỷ USD.
Năm 2018 xuất khẩu nông, lâm và thuỷ sản lập kỷ lục với kim ngạch ước đạt 40,5 tỉ USD. |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến đánh giá, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn còn rất lớn, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục tăng mạnh. Gia nhập CPTPP mở ra cơ hội lớn hơn cho hàng nông sản Việt Nam tiến vào các thị trường lớn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế.
“Thuỷ sản sẽ là ngành có nhiều lợi thế khi Việt Nam gia nhập CPTPP. Trong nguồn vốn đầu tư trung hạn đã dành ưu tiên cho thuỷ sản với các hạng mục cần nguồn vốn lớn để đầu tư là trung tâm hậu cần nghề cá, giống cho thuỷ sản… Ngành thuỷ sản sẽ được cơ cấu lại hướng tới mục tiêu nuôi thuỷ sản ở biển xa không chỉ nuôi gần bờ như hiện nay” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 43 tỉ USD, tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ NNPTNT đang đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống. Trong năm 2019 có kế hoạch khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại, đặc biệt là Hiệp định chính là CPTPP và EVFTA./.
Việt Nam sẽ có nền nông nghiệp thông minh nếu áp dụng Internet Vạn vật
Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững