“Năng suất lao động của Việt Nam dù đã được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và thấp so với nhu cầu phát triển. Do đó, tăng năng suất là vấn đề rất quan trọng đối với phát triển trung hạn của Việt Nam để đạt mục tiêu nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035”. Đây là một trong những khuyến nghị chính được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra với Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017.
Năng suất lao động của Việt Nam hiện ở mức 5,87%, cao hơn mức 5,29% của năm ngoái, song vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực. So với Malaysia, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/6, bằng 1/15 của Singapore và bằng 1/3 của Thái Lan...Trong khi đó, tăng năng suất lao động đang ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. |
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, sự bế tắc trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, không có chuyển dịch nguồn lực từ kinh tế nhà nước sang kinh tế tư nhân, từ khu vực kinh tế kém hiệu quả sang khu vực kinh tế có hiệu quả cao hơn là nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực.
“Mức độ thị trường của nền kinh tế còn thấp, ít được cải thiện trong thời gian qua, thể hiện ở thị trường các yếu tố sản xuất còn kém phát triển và méo mó, thị trường yếu tố sản xuất chưa phải là nhân tố chủ yếu trong huy động và phân bổ sử dụng nguồn nhân lực trong nền kinh tế, giá của các yếu tố sản xuất (lãi suất, tiền lương, giá quyền sử dụng đất...) chưa hình thành theo cơ chế thị trường, quan hệ cung – cầu thị trường và còn bị chi phối bởi các quyết định hành chính và chưa có cạnh tranh thực sự, thị trường đúng nghĩa”, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho biết.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, năng suất lao động là vấn đề rất quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như chỉ số cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam mới đạt 4% (trong khi con số này ở Trung Quốc là 7%, Hàn Quốc là 5%). Mức độ tăng thấp như vậy sẽ dẫn đến sự tụt hậu, kém hiệu quả trong sử dụng các yếu tố đầu vào.
Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường hiệu quả nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất. Cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, nhưng đồng thời nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực, trong đó cần có sự định hướng thị trường nhiều hơn nữa để phân bổ nguồn lực sản xuất trên cả thị trường vốn và thị trường đất đai.
“Cần tăng cường nguồn thu trong nước, nâng cao hiệu quả chi tiêu, năng lực quản lý nợ, đặc biệt là thị trường nợ trong nước, sẽ là các yếu tố quan trọng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển mà không làm nợ tăng lên đến mức thiếu bền vững”, ông Ousmane Dione khuyến nghị.
Tăng năng suất đang đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam những thách thức không nhỏ. Bởi, nếu chỉ tăng trưởng GDP ở mức 6,7% như hiện nay, Việt Nam khó có thể thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.
Ông Amnon Ofen, Giám đốc NaanDanJain, Isarel chia sẻ, trong từng lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả, như tăng cường chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị. Đây đều là những yếu tố quan trọng để cải thiện năng suất.
“Một trong những giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng năng suất chính là công nghệ. Là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam nên thành lập các Trung tâm đào tạo và các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ nông nghiệp tiên tiến, tăng cường khuyến nông công nghệ cao ở tất cả các vùng. Trong nông nghiệp, năng suất cao thôi không đủ mà cần chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao để gia tăng giá trị cho nền kinh tế”, ông Amnon Ofen lưu ý.
Từ năm 2018, năng suất lao động Việt Nam phải tăng tối thiểu 6%/năm (cao hơn 1,25 điểm % so với 2011 - 2017) thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Đây được coi là một thách thức lớn.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể gia tăng tốc độ tăng năng suất trong nền kinh tế bằng cách phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, phải tập trung thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi cơ cấu để tăng năng suất nội ngành của nền kinh tế.../.
Năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới, do đâu?