Dự thảo “Đề án Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam” do Bộ GTVT mới công bố cho thấy, công tác vận tải hành khách công cộng tại 5 thành phố trọng điểm sẽ được chú trọng đầu tư và tăng cường tính hiệu quả.

Cụ thể, tại TP Hà Nội và TP HCM, từ nay đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng sẽ đảm nhận từ 20% - 25% (trong đó xe buýt 10% - 15%, đường sắt đô thị 4%-5%, xe taxi 2-3%, phương tiện vận tải công cộng khác là 1%-2%); vận tải cá nhân chiếm 75%÷80% (trong đó đi bộ và xe đạp từ 20-30%).

Đối với các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, vận tải hành khách công cộng tăng từ 10%÷15% (xe buýt: 5%÷10%, xe taxi: 2%÷3%, phương tiện vận tải công cộng khác: 1%÷2%); vận tải cá nhân: 85%÷90% (trong đó đi bộ và xe đạp từ 20÷30%).

Để phục vụ cho đề án, quỹ đất dành cho giao thông đô thị (như đã được phê duyệt trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030), đối với giao thông tĩnh từ 5÷7%, quỹ đất dành cho người đi bộ ở mức hợp lý (2%).

Để phục vụ tốt công tác vận tải công cộng, các thành phố cần đầu tư phát triển trung tâm quản lý và điều hành vận tải công cộng để quản lý toàn bộ các phương thức vận tải công cộng trong đô thị, bảo đảm khả năng quản lý; đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với việc quản lý, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân: Các thành phố thực hiện phân luồng và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố theo giờ nhất định trong ngày và ngày nhất định trong tuần kết hợp với biện pháp tăng tần suất của phương tiện hành khách công cộng.

Bên cạnh đó mỗi thành phố cần áp dụng nhiều mức thu phí trông giữ phương tiện cơ giới theo hướng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài, tăng dần theo mật độ giao thông; nâng cấp, quản lý chặt chẽ diện tích vỉa hè, ưu tiên cho người đi bộ; thiết kế vỉa hè, lối ra vào các công trình công cộng thuận lợi cho người khuyết tật tham gia giao thông; nghiên cứu giải pháp tăng cường quản lý sử dụng xe đạp điện, xe máy điện an toàn, hợp lý.

Để làm tốt điều này, 5 thành phố trọng điểm cần lập quy hoạch và xây dựng hệ thống các đầu mối vận tải hàng hoá; đầu tư phương tiện vận tải hàng hóa phù hợp với giao thông đô thị; nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải hàng hóa; nghiên cứu thí điểm đầu tư, phát triển trung tâm điều độ vận tải hàng hóa đô thị; khuyến khích hình thành các sàn giao dịch vận tải hàng hoá điện tử.

Ngoài ra, các thành phố cần nâng cao chất lượng nhân lực quản lý và xây dựng văn hóa giao thông: tăng cường tập huấn bồi dưỡng, đào tạo, tuyển dụng bổ sung cán bộ quản lý nhà nước có trình độ chuyên môn về quản lý, điều hành giao thông đô thị hiện đại, đặc biệt các kiến thức, công nghệ về quản lý giao thông đô thị và vận tải công cộng; tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp cho nhân lực quản lý, điều hành tại các đơn vị kinh doanh vận tải./.