Công thức vận hành GTCC+ cao tốc

Việc phát triển giao thông công cộng (GTCC) được xem là cứu cánh cho giao thông tại đô thị các nước trên thế giới. Một số thành phố lớn trên thế giới như: Vancouver (Thụy Sỹ), Copenhagen (Đan Mạch), Hongkong (Trung Quốc), Singapore, Seoul (Hàn Quốc)… cố gắng phát triển hệ thống GTCC để nhằm cải thiện điều kiện giao thông.

Bên cạnh việc phát triển hệ thống giao thông cao tốc hiện đại là xe buýt nhanh, tàu điện ngầm… các nước vẫn tiếp tục duy trì và phát huy tối đa hệ thống xe buýt. Hệ thống giao thông cao tốc hiện đại được các nước ưu tiên phát triển vì hệ thống có tính liên kết cao.

Đây là một công thức tiên tiến được áp dụng rộng rãi trong thời kỳ bùng nổ tình trạng ách tắc giao thông tại các thành phố lớn. Tuy nhiên không phải nước nào cũng thành công, điển hình như thủ đô Bangkok của Thái Lan.

xebuyt2011.jpg

Hệ thống xe buýt Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân (Ảnh: Dân trí)

TS-KS Yiem Chatkeo- nguyên Phó Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý các phương tiện vận chuyển số đông của Thái Lan cho biết, thực trạng giao thông của thủ đô Bangkok vào giờ cao điểm cũng giống như Hà Nội hiện nay.

Trước thực tế đó, lãnh đạo thủ đô Bangkok đã lên kế hoạch thực hiện phát triển ngành giao thông trên cơ sở thực hiện cải tổ lại mạng lưới GTCC với hệ thống vận chuyển số đông: tàu điện ngầm, xe buýt nhanh (MRT).

Đi kèm với đó là một hệ thống các phương tiện GTCC như xe buýt, xe ôm… để vận chuyển người dân đến tận nhà. Bên cạnh đó, việc khuyến khích người dân sử dụng hệ thống GTCC, chính phủ nước này còn dùng nhiều biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Tuy nhiên, những biện pháp đó cũng không thúc đẩy người dân Bangkok quan tâm hơn đến MRT. Thống kê năm 2010 cho thấy, chỉ có 4% sử dụng MRT trong việc di chuyển.

Theo ông Chatkeo, lượng người tham gia MRT không có xu hướng tăng do kinh phí đi lại cao, vận chuyển chưa thuận lợi và điều này cho đến nay Bangkok vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Cần tính kỹ trước khi thực hiện

Hà Nội chúng ta cũng đang tính đến việc thực hiện phát triển GTCC và hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông đang trở thành “bệnh nan y”. Nhưng với thực trạng quy hoạch đô thị cũng như sự bùng nổ các phương tiện giao thông, chúng ta cần phải tính toàn kỹ lưỡng hơn để tránh tình trạng bị “đổ vỡ” giao thông thủ đô trong tương lai.

Nói về hệ thống GTCC, Hà Nội có hai hình thức vận tải chính là xe buýt và taxi. Tính đến năm 2011, Hà Nội có 65 tuyến xe buýt với 1.102 xe vận chuyển khoảng 420 triệu lượt hành khách, mật độ phủ mạng nội thành mới đạt 5,2km/km2. Khi mà xe buýt mới đảm nhiệm được 9% nhu cầu đi lại của người dân thì hệ thống này gần như đã đạt đến mức giới hạn, một số tuyến đã quá tải.

Việc tăng tuyến, tăng số lượng đầu xe hoạt động đã được nghĩ đến nhưng nếu áp dụng thì ách tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi mà mạng lưới hạ tầng giao thông chưa đủ khả đáp ứng.

Để sử dụng hiệu quả hệ thống cao tốc cần tính toàn kỹ trước khi triển khai (Ảnh: KT)

Bởi vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng giao thông đô thị cho rằng, cần sắp xếp lại hệ thống xe buýt cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Bên cạnh phương án sắp xếp lại hệ thống xe buýt, việc xây dựng hệ thống giao thông cao tốc hiện đại với tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt trên cao… vẫn đang được các ngành chức năng triển khai.

Tuy nhiên theo ông Lê Vinh- Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội để ra kế hoạch phát triển thì rất dễ, nhưng vấn đề thực hiện thì vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Đứng trên góc độ quy hoạch, ông Vinh cho rằng, khó khăn đầu tiên trong việc triển khai xây dựng hệ thống tàu điện ngầm là việc giải phóng mặt bằng, việc di chuyển các công trình kỹ thuật ngầm và nổi.

Bên cạnh đó, theo thiết kế tất cả các tuyến tàu điện khi chạy vào trung tâm đều phải đi ngầm do đặc thù của Hà Nội, nếu chạy vào bên trong lõi của thành phố sẽ làm tác động đến kiến trúc không gian phố cổ. Bởi vậy khi xây dựng hệ thống tàu điện đi dưới mặt đất cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhất định.

Việc xây dựng quy hoạch giao thông với hệ thống giao thông cao tốc tàu điện ngầm, đường sắt đô thị là “xương sống” của giao thông thủ đô thì khi đó chúng ta phải phát triển mạng lưới GTCC để kết nối với những trung tâm này. Tuy nhiên vướng mắc trong quy hoạch mạng lưới giao thông đô thị chưa giải quyết được sẽ rất khó để hoàn thành một cách triệt để hệ thống này. Và khi đó chúng ta lại “dẫm lên” những khó khăn mà thủ đô Bangkok, Thái Lan đang mắc phải trong việc phát triển hệ thống MRT.

Việc phát triển hệ thống giao thông cao tốc là việc làm cần thiết. Bởi vậy trong một cuộc hội thảo vế phát triển bền vững gần đây tại Hà Nội, bà Christiane Molt- Tư vấn quốc tế- Trung tâm điều hành và quản lý giao thông TRAMOC cho rằng, Việt Nam cần phải tính toán kỹ để xây dựng được “yếu tố liên kết” như: Liên kết trong quy hoạch đô thị, liên kết thực địa, liên kết về thể chế, liên kết trong hoạt động…

Đối với việc liên kết trong quy hoạch đô thị, Hà Nội cần tiếp cận liên kết và mang tính chiến lược hơn là cách tiếp cận quy hoạch từng phần. Theo bà Christiane, việc quy hoạch từng phần sẽ dẫn tới sự phát triển không đồng bộ mạng lưới giao thông và phát triển đô thị. Sự liên kết này mang lại lợi ích nhờ cung cấp dịch vụ vận tải đô thị tiện ích, chất lượng cao vì có được sự liên kết tốt giữa các tuyến đường sắt cao tốc với các loại hình vận tải khác trong thành phố. Tuy nhiên trong yếu tố liên kết này Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn khi có nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng nhưng những khu đô thị đó vẫn còn thiếu một sơ sở hạ tầng xã hội cơ bản. Khu đô thị Linh Đàm, Trung Hòa- Nhân Chính là ví dụ điển hình. Chính sự mất cân đối trong xây dựng cơ sở hạ tầng khiến người dân tham gia giao thông nhiều hơn gây ra tình trạng quá tải cho hạ tầng giao thông, làm tăng nhu cầu tham gia giao thông của người dân.

Liên kết thực địa rất quan trọng đối với Hà Nội. Bà Christiane cho rằng nếu các tuyến vận tải cao tốc được xây dựng và trở thành “xương sống” của hệ thống giao thông Hà Nội thì các hoạt động giao thông khác như mạng lưới xe buýt sẽ là mạng lưới phục vụ cho tuyến vận tải cao tốc này. Tuy nhiên việc quy hoạch các tuyến xe buýt của Hà Nội hiện nay vẫn còn khá bùng nhùng dẫn tới việc lãng phí trong vận chuyển của hệ thống GTCC.

Ngoài ra, việc giá thành phục vụ cũng rất quan trọng. Đối với mặt bằng đời sống của Hà Nội, nếu giá thành không hợp lý, thì khó có thể khiến người dân chuyển đổi sang sử dụng hệ thống giao thông cao tốc. Và lúc đó với kinh phí đầu tư tốn kém, hệ thống này sẽ sớm bị “chết yểu”.

Bên cạnh đó, việc phát triển và xây dựng hình ảnh thủ đô như thế nào hết sức quan trọng. Nhiều người biết đến Kuala Lumpur là thành phố có hệ thống đường sắt một ray, Tokyo là hệ thống đường sắt cao tốc Yamamote, bởi vậy việc xây dựng một Hà Nội với hệ thống giao thông đặc thù để tạo dấu ấn trong cộng đồng quốc tế cũng là yêu cầu cần thiết mà Hà Nội cần lưu tâm./.