"Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng"- Đó là khẩu hiệu của Cuộc tổng bãi công đêm 12/11/1936 của hàng vạn thợ mỏ Quảng Ninh đòi chủ mỏ lúc bấy giờ tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc. Tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” cũng đánh dấu bước ngoặt trong phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân mỏ từ tự phát sang tự giác, có tập hợp, có kỷ luật...
Phát huy truyền vùng mỏ, trong đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần "kKỷ luật và đồng tâm" thực hiện mục tiêu kép, phát triển kinh tế - xã hội với nhiều kết quả ấn tượng.
Sau gần 10 ngày đấu tranh quyết liệt, bất chấp mọi thủ đoạn và sự đàn áp dã man của giặc Pháp, cuộc tổng bãi công của những người thợ mỏ Quảng Ninh đã giành được thắng lợi vào chiều 20/11/1936, trở thành một mốc son trong lịch sử vùng mỏ.
Trưởng thành từ người công nhân mỏ Quảng Ninh, từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết chính môi trường làm việc khắc nghiệt, nhiều rủi ro hơn bất cứ ngành nghề nào khác đã rèn giũa tinh thần kỷ luật đặc biệt của con người vùng mỏ.
"Nghề mỏ là nghề công nghiệp đặc biệt. Từ người lãnh đạo với thợ, thợ với thợ, dây chuyền này với dây chuyền khác phải có sự liên kết, mối quan hệ mật thiết với nhau nên đòi hỏi ý thức kỷ luật cao, hình thành bản chất giai cấp công nhân. Vì vậy đòi hỏi ý thức tổ chức kỷ luật và đồng tâm rất cao và tất cả phải tuân thủ nguyên tắc, quy trình, quy phạm mới làm việc qua đó xây dựng được mối quan hệ đồng tâm và kỷ luật", ông Duyệt phân tích.
Gần 90 năm đã đi qua, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” phát triển thành văn hóa trụ cột, dẫn dắt vùng mỏ giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, bảo vệ độc lập dân tộc và trở thành nền tảng tư tưởng của người Quảng Ninh trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước.
Khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề. Với tinh thần "kỷ luật và đồng tâm" vượt qua khó khăn, năm 2021, tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam vẫn giữ vững được nhịp độ sản xuất với doanh thu gần 129.000 tỷ đồng (đạt 104% kế hoạch), thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước; việc làm, thu nhập của người lao động ổn định.
Anh Hồ Văn Toàn, công nhân công ty than Mạo Khê cho biết: Khi đó, hơn 10 vạn công nhân mỏ xa quê tự nguyện không về quê ăn Tết mà ở lại nơi làm việc, thực hiện 3 tại chỗ để duy trì chuỗi sản xuất...
"Chúng tôi thực hiện biện pháp 5K trong mọi tình huống từ sinh hoạt tới làm việc, được công ty đưa đi xét nghiệm định kỳ. Trong giai đoạn dịch bệnh, việc làm của công nhân vô cùng khó khăn nhưng Tập đoàn và Quảng Ninh đã duy trì việc làm giúp công nhân có thu nhập trang trải cuộc sống. So với nhiều địa phương khác, chúng tôi vẫn thấy may mắn vì có thu nhập ổn định", anh Hồ Văn Toàn trải lòng.
"Giữ vững vùng xanh" để ổn định và phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã áp dụng nhiều chính sách quyết liệt, kiên trì mục tiêu "3 trước", "4 tại chỗ", duy trì địa bàn an toàn, ổn định và tạo được khoảng thời gian vàng để triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất lịch sử. "Kỷ luật và đồng tâm" cũng là cơ sở để Quảng Ninh bước vào giai đoạn thích ứng linh hoạt với đà tăng trưởng duy trì ở mức 10,28%, cao thứ 2 cả nước...
Ông Đào Đức Nghĩa, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long cảm nhận: "Văn hóa này đã lan tỏa tới mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là giới trẻ hiện nay, họ hiểu rất sâu và làm theo tinh thần kỷ luật và đồng tâm. Khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Chỉ thị 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy tốt nét đặc sắc văn hóa này, tạo sự đồng thuận ý đảng lòng dân, sự thống nhất từ tỉnh tới huyện thị và tới cơ sở như chúng tôi cũng như thấm vào từng người dân. Chính sức mạnh đoàn kết, tổng hợp này giúp Quảng Ninh giữ vững địa bàn xanh..."
Quán triệt sâu sắc văn kiện Đại hội XIII về phát triển, khơi dậy ý chí, phát huy sức mạnh của con người Việt Nam và đặc biệt là tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, Quảng Ninh quyết tâm xây dựng Văn hóa người Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương cho rằng văn hóa đặc sắc của người Quảng Ninh thể hiện ở chỗ dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá, dám đổi mới cả tư duy và hành động.
"Tôi cho rằng đối với văn hóa của Quảng Ninh thì tinh thần kỷ luật và đồng tâm của vùng mỏ là những giá trị cốt lõi. Quảng Ninh đạt được những kết quả là nhờ từ những truyền thống như thế. Và chúng ta phải xây dựng con người Quảng Ninh mới kế thừa kỷ luật và đồng tâm mới có những giá trị, phẩm chất, sự không bằng lòng với những gì đã đạt được. Từ các chiến lược về con người, các vấn đề về văn hóa, về xã hội, rồi các vấn đề về phát triển bền vững đặt ra những từ yếu tố con người, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, vì sự phồn vinh và hạnh phúc", ông Thắng phân tích thêm.
Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quảng Ninh đã vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid-19, giành được những kết quả khả quan trong phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Và nền tảng để có được những thành công này là tinh thần "kỷ luật và đồng tâm", điều đã trở thành nét văn hóa, là thương hiệu riêng có của những người con đất mỏ anh hùng./.