Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, thủ phủ thanh long của cả nước xuất hiện tình trạng một số thương lái thu mua với số lượng lớn hoa thanh long.
Đang thấp thỏm đợi chờ thương lái đến đống hoa thanh long vừa hái, chị Lê Thị Hồng, thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, nhà chị trồng gần 1.000 gốc thanh long đã cho thu hoạch. Khi chưa có hiện tượng thương lái mua hoa thanh long, gia đình chị cũng phải ngắt bớt hoa thanh long và vứt đi hay chỉ để cho bò ăn. Giờ có thương lái mua hoa thanh long, gia đình chị có thêm thu nhập với mỗi lần bán gần 100 kg hoa thanh long.
Mỗi cân hoa thanh long có giá khoảng 3.500 đồng
Việc thương lái tìm mua hoa thanh long đã xuất hiện cách đây đã lâu, nhưng rầm rộ lên là vào cuối mùa điện cách đây khoảng một tháng. Giá các thương lái mua là 3.500 đồng/kg. Loại hoa thanh long được chọn mua phải là loại chuẩn bị nở khoảng 5 giờ, tức là nếu như hoa đó tối nở thì buổi trưa hái bán. Sớm hơn hay trễ hơn, thương lái sẽ không mua. Khi được hỏi là có biết thương lái mua hoa thanh long để làm gì, hầu như tất cả người trồng đều không biết, chỉ nghe nói là mua để làm trà.
Tại thôn 6, xã Hàm Chính, bà Nguyên, người làm nghề thu mua hoa thanh long bán lại kiếm lời lâu nay. Bà Nguyên cho biết, mỗi đợt bà thu mua khoảng 2 - 3 tấn rồi đem bán cho một người khác tên là Phương để kiếm lời. Do đã có tiếng nên bà không đi thu mua tận vườn mà chỉ ở nhà và người trồng thanh long mang hoa đến bán. Mỗi ngày, bà sẽ điện hỏi cấp trên rồi mới quyết định ngày đó mua hay không; mỗi kg hoa thanh long tươi, bà lời khoảng vài trăm đồng.
Theo bà Nguyên, người dân cũng rất thích bán hoa vào thời điểm này do đang là vào vụ chính, giá trái thanh long xuống thấp, còn 5.000- 10.000 đồng/ kg tùy loài, cá biệt có loại giá không tới 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, 1 kg hoa gồm 4-5 hoa có giá 3.500 đồng/kg, nhanh thu tiền hơn là đợi đến khi trái chín, tốn thêm nhiều công đoạn. Mỗi lần thu mua về, bà Nguyên sẽ gọi điện cho bà Phương cho người tới lấy hàng rồi chở về “nhà máy sấy” tại một địa điểm trên Quốc lộ 28 rồi mang sang Trung Quốc để làm trà, nếu chế biến không hết sẽ đem trữ tại kho lạnh trong khu công nghiệp Phan Thiết.
Bà Nguyên còn cho biết có rất nhiều thương lái thu mua hoa thanh long như bà không chỉ tại xã Hàm Chính mà còn tại các xã khác như Hàm Liêm, Hàm Thắng, Hồng Sơn…của huyện Hàm Thuận Bắc.
Ngay chính bà Nguyên cũng thừa nhận việc làm thương lái như mình cũng có nhiều rủi ro: "Hôm nay tôi nghe tin là họ ngừng mua do kho lạnh hết chỗ chứa. Người thu mua nói Trung Quốc chỉ cho thu mua từng đó thôi, họ không nhận hàng nữa. Trong trường hợp mua rồi mà họ không xuống lấy thì mình cũng không biết làm gì, vốn liếng đổ hết cả vào đó rồi.”
Theo một cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thanh long Bình Thuận, cơ quan này chưa nghiên cứu các chế phẩm từ hoa thanh long. Trên thị trường chủ yếu ngoài trái thanh long tươi, cũng chỉ có một lượng nhỏ các sản phẩm khác từ trái thanh long như thạch, nước ép, bánh ngọt….Vì thế việc các thương lái thu mua hoa thanh long với số lượng lớn cũng là một điều bất thường. Người dân cần tỉnh táo, không ham cái lợi trước mắt để phải nhận hậu quả đáng tiếc về sau. Các cơ quan chức năng cũng cần triển khai nghiên cứu về tác dụng của hoa thanh long để tìm hướng ra bền vững, tạo sự yên tâm cho người trồng thanh long./.