Sau năm cao điểm thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp, sang năm 2019, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn diện hoạt động của các công ty để biết ai làm tốt, vướng mắc gì, trách nhiệm ở đâu để báo cáo Quốc hội. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại  hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp giai đoạn 2015- 2017, diễn ra sáng 28/10 tại Trụ sở Chính phủ

vov_vuong_dinh_hue_shdq.jpg
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương cho biết, đối với các công ty nông, lâm trường đã chuyển đổi thành công ty 100% vốn nhà nước hay công ty cổ phần do nhà nước chi phối thì vốn eo hẹp, chậm được cấp bổ sung vốn điều lệ; còn các nông lâm trường ở vùng sâu, vùng cao tài sản không có nhiều, khó vay vốn khi ngân hàng chỉ cho vay thế chấp, chưa cho vay tín chấp.

Bên cạnh đó, nhiều công ty nông, lâm nghiệp đang trong quá trình sắp xếp thì vướng mắc ở đo đạc đất đai, xác định giá trị doanh nghiệp nhất là ở giá trị vườn cây do diện tích lớn, ở địa bàn khó khăn, phát sinh công nợ khó đòi với các hộ gia đình, có doanh nghiệp như Tổng công ty cà phê Việt Nam nợ khó đòi, quá thu hiện nay lên tới 380 tỷ mà chưa biết thẩm quyền xử lý thế nào?

Tại Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nêu thực tế tại địa phương, phải điều chỉnh lại phương án tổng thể vì không phù hợp với thực tiễn, các vướng mắc cũng kéo dài thời gian phê duyệt phương án, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh cũng cam kết tới năm 2018, sẽ hoàn việc phê duyệt phương án sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp.

Trước những kiến nghị của nhiều địa phương về tăng vốn điều lệ, chi trả chi phí đo đạc, xác định giá trị vườn cây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, theo quy định, Trung ương sẽ lo 70% kinh phí đo đạc bản đồ, còn lại 30% kinh phí do địa phương thu xếp. Tổng hợp của 41 tỉnh, thành phố thì kinh phí này là hơn 1.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Hiếu cũng cho rằng, vấn đề không phải vướng ở khả năng chi trả mà vướng ở xử lý đất đai để phục vụ đo đạc. Các địa phương phải tổ chức đoàn kiểm thật, đếm thật (đất đai) chứ không chỉ dựa vào thống kê.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh ý nghĩa của việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp có tác động lớn tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và cuộc sống của hàng triệu người dân.

Toàn cảnh hội nghị
Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ rõ, các nguyên nhân chậm thực hiện sắp xếp, ngoài các lý do khách quan như thực hiện chính sách khoán đất, giao đất, tranh chấp, lấn chiếm, tồn đọng tài chính kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, còn có nguyên nhân chủ quan là một số nơi người đứng đầu chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức, nhất là phối hợp thực hiện. Nhiều đơn vị ngại không muốn làm vì sợ phơi ra các tồn đọng, ngại phải đi xử lý tồn đọng.

Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành bám sát nhiệm vụ, tháo gỡ từng vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương theo các chuyên đề: Cổ phần hoá, đo đạc, chuyển mô hình thành công ty 2 thành viên, xác định giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, việc ký các hợp đồng cho thuê đất, xử lý tình trạng lấn chiếm, liên doanh, liên kết sản xuất không đúng quy định,…

Bộ Tài nguyên Môi trường cập nhật hệ thống quản lý rừng, đất đai. Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương thực hiện kêu gọi tư nhân góp vốn thành lập công ty TNHH nông, lâm nghiệp 2 thành viên trở lên bảo đảm không thất thoát vốn, hoạt động hiệu quả, bền vững./.