“Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên rừng. Giải quyết cơ bản các tồn tại vướng mắc về đất đai, quản lý sử dụng đất, bảo vệ phát triển rừng theo quy định của pháp luật” - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2016, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2020 được tổ chức sáng 14/7 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2016, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2020. |
Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù việc sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc liên quan đến giải quyết vấn đề đất đai, lao động và tài sản trên đất đai, nhất là đối với diện tích khoán đất, khoán rừng và vườn cây.
Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sắp xếp, đổi mới, nhất là tiêu chí lựa chọn đối tác trong mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên đối với các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở địa phương chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
Ông Phí Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam nêu thực tế, quỹ đất cho phát triển lâm nghiệp ngày càng bị thu hẹp dẫn đến thiếu đất trồng rừng không có vùng nguyên liệu cho dự án chế biếu sâu.
“Hiện nay, việc triển khai thực hiện Nghị định 118 chưa bao quát được hết. Trong khi đó, cơ chế giao khoán theo chương trình 135 của Chính phủ có nhiều điều bất cập, nhiều người dân ở một số địa phương chưa nhận thức được hết hợp đồng giao khoán, chưa nhận thức được pháp luật do vậy để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng, khó khăn trong việc tổ chức sản xuất các đơn vị nông nghiệp. Thêm vào đó quỹ đất nông nghiệp có xu hướng thu hẹp, do đó khó khăn trong việc thực hiện vùng nguyên liệu tập trung”, ông Cường chỉ rõ .
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tiếp tục quán triệt quan điểm tư tưởng chủ trương sắp xếp đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30 và Nghị định 118 của Chính phủ.
Theo đó, việc sắp xếp đổi mới phát triển công ty nông lâm nghiệp phải gắn liền với đảm bảo quốc phòng an ninh, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa phù hợp với chủ trương định hướng, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, tăng cường quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên rừng, phải gắn quyền lợi và trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất đai, bảo vệ phát triển rừng.
“Cần tiếp tục duy trì vùng sản xuất nông lâm sản hàng hóa tập trung thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường phù hợp với quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn. Giải quyết cơ bản các tồn tại vướng mắc về đất đai, bảo vệ phát triển rừng theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng các công ty nông lâm nghiệp phải trở thành trung tâm liên kết sản xuất nông lâm nghiệp, trung tâm kinh tế khoa học công nghệ. Đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp tích cực phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tại các địa phương và sự nghiệp phát triển chung của đất nước”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương phê duyệt đề án sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.