Nhị Hà là xã miền núi nhiều khó khăn của huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Những năm gần đây, người dân đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, nổi bật là mô hình phát triển kinh tế vườn đã đem lại nguồn lợi đáng kể cho nhiều hộ dân.

mang_cau_jezy.gif
Mô hình làm kinh tế hiệu quả của nông dân miền núi Ninh Thuận (Ảnh minh họa: KT)

Sau khi tham quan mô hình vườn cây ăn trái ở một số địa phương, năm 2013, ông Nguyễn Kim Anh ở xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư vốn để phát triển mô hình kinh tế vườn. Với 1 ha đất rẫy, ông Kim Anh đã trồng thử nghiệm 20 cây mãng cầu. Nhờ cần cù lao động và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên cây mãng cầu phát triển tốt và cho năng suất khá cao. Thấy hiệu quả, ông Kim Anh tiếp tục mở rộng diện tích và trồng thêm 30 cây mãng cầu, đến nay, đã bắt đầu cho trái ổn định. Từ 50 gốc mãng cầu ta, hàng năm ông Kim Anh có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả từ mô hình kinh tế vườn, hiện nay, hàng chục hộ nông dân ở xã Nhị Hà đã chuyển hơn 100 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, với những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: xoài Thái Lan, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu ta, mít, ổi, bưởi da xanh, thanh long... Trong đó, cây mãng cầu ta, mít và bưởi da xanh là ba loại cây tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phát triển mạnh tại địa phương. Nhờ người dân biết tìm tòi, học hỏi và chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật nên bình quân mỗi vụ, 1 ha vườn cây ăn trái cho thu nhập trên 50 triệu đồng.

 Ông Lê Quyết Thắng - Chủ tịch UBND xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam-tỉnh Ninh Thuận cho biết:Trên địa bàn xã hiện nay diện tích cây ăn quả rất lớn nhưng qua quá trình canh tác thì cây mít và cây bưởi da xanh đem lại sản lượng tốt, giá cũng ổn định. Hướng tới của địa phương sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cũng như tuyên truyền cho bà con phát triển mô hình cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao nhằm góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân.

Mô hình kinh tế vườn đã đem lại nguồn lợi đáng kể cho nhiều hộ dân xã miền núi Nhị Hà và đang được một số xã miền núi khác tham khảo. Hiện nay, người dân ở địa phương đang tiếp tục đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn và chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân./.