Kinh tế tập thể tại Ninh Thuận đang được đánh giá là một trong những động lực để nâng cao trình độ sản xuất và đem lại hiệu quả cao cho xã viên, đặc biệt là tại các địa phương đang xây dựng nông thôn mới.

Hợp tác xã nông nghiệp Trường Thọ ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận hiện quản lý hơn 102 ha diện tích lúa gieo trồng, trung bình cho năng suất từ 6 đến 7 tạ/sào, cá biệt có hộ đạt trên 8 tạ/sào. Để nâng cao chất lượng lúa qua mỗi mùa vụ và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, hợp tác xã tăng cường áp dụng kỹ thuật mới và thực hiện liên kết “4 nhà” trong  tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Ngoài ra, đơn vị cũng thu mua với mức giá cao hơn giá thươnglái từ 300 - 500 đồng/kg.

hoptacxavn.jpg
Thu hoạch cải trắng tại tổ hợp tác sản xuất rau an toàn An Hải, Ninh Phước (Ảnh: NTO).

Hiện khoảng 45% diện tích canh tác của xã viên là trồng lúa giống và diện tích tăng lên qua mỗi năm. Vì thế, Trường Thọ được đánh giá là đơn vị “ăn nên làm ra”, phát huy được vai trò trong thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân trong sản xuất lúa.

Anh  Hồ Văn Minh, xã viên hợp tác xã nông nghiệp Trường Thọ, xã Phước Hậu  huyện Ninh Phước, Ninh Thuận cho biết: “Hợp tác xã làm rất trọng tâm công tác nông nghiệp đến xã viên. Trong tất cả mọi mặt, mặt nào cũng chú trọng, từ khâu nước tưới, đến khi ra bông, xịt thuốc đều nhờ hợp tác xã”.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 65 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và phi nông nghiệp, hoạt động với các loại hình chủ yếu như: cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây con, làm đất, thủy lợi, bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm. Từ hiệu quả thực tế, cho thấy hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, thực tế con đường phát triển của kinh tế tập thể mà nòng cốt là mô hình hợp tác xã còn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Hầu hết các hợp tác xã đều khó khăn về nguồn vốn do chưa tiếp cận được các tổ chức tín dụng, thiếu thông tin tư vấn về chính sách vay vốn và không có tài sản thế chấp.

Theo ông Nguyễn Thành Anh, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Trường Thọ, “phải lấy tài sản của chủ nhiệm, trưởng kiểm soát và kế toán trưởng thế chấp mới được vay của nhà nước, vì tài sản của hợp tác xã không thế chấp được”.

Để giữ vững vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông thôn và đóng góp thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, mô hình kinh tế tập thể tại Ninh Thuận sẽ được tập trung phát triển theo hướng đa dạng hóa các loại hình hoạt động, khuyến khích các thành phần kinh tế chủ động liên doanh, liên kết để mở rộng ngành nghề sản xuất.

Ông Đỗ Văn Minh, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Các hợp tác xã nông nghiệp, thời gian vừa qua, có ảnh hưởng tốt đến đời sống, sản xuất, an ninh xã hội trật tự ở nông thôn, giải quyết vấn đề hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, các ngành các cấp, nhất là các địa phương, các huyện, xã nếu hỗ trợ được các hợp tác xã nông nghiệp, chúng tôi tin tưởng rằng chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh sẽ thực hiện tốt và thành công”.

Để kinh tế tập thể  tại Ninh Thuận phát triển đúng hướng và mang lại hiệu quả cao, công tác đào tạo nghề cho lao động, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh  đóng vai trò quan trọng để mô hình này phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề quan trọng để kinh tế khu vực nông thôn ổn định, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại Ninh Thuận./.